Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase:
Trở thành công ty đại chúng nhờ làm đúng chủ trương phát triển của tỉnh
(BDO) Cổ phiếu BWE của Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) vừa được niêm yết chính thức trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh với giá tham chiếu 14.300 đồng/cổ phiếu. Ngay tại phiên giao dịch đầu tiên (ngày 20-7), giá trị cổ phiếu BWE đã tăng kịch trần, đạt biên độ cực đại +20%; giá khớp lệnh là 17.150 đồng/cổ phiếu. Đây là kết quả đáng mừng mà chỉ một vài doanh nghiệp niêm yết rất có uy tín mới vươn tới được. Nhân sự kiện này, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase đã chia sẻ thêm:
- Nước sạch là mặt hàng khá đặc biệt đối với cuộc sống hàng ngày và sự phát triển kinh tế - xã hội, ít chịu ảnh hưởng bởi những tác động, rủi ro bên ngoài, cụ thể như suy thoái kinh tế, lạm phát, lãi suất ngân hàng… Số liệu thống kê những năm qua cho thấy, các năm nền kinh tế đất nước chịu tác động của suy thoái như những năm 2008-2009 GDP giảm từ 6,23% xuống còn 5,23%; năm 2011-2014 GDP duy trì dưới mức 6%… khiến các ngành đều tăng trưởng chậm, có ngành tăng trưởng âm; riêng ngành cấp nước vẫn giữ vững tốc độ tăng doanh thu, lợi nhuận. Doanh thu, lợi nhuận của ngành cấp nước sẽ tăng nhanh khi nền kinh tế phục hồi, tốc độ đô thị hóa cao. Cụ thể, qua các năm 2015-2016 nền kinh tế của nước ta dần lấy lại đà hồi phục, tốc độ tăng trưởng GDP dần nhích lên rồi vượt qua mốc 6%/năm. Dự kiến năm 2017 và những năm tiếp theo, GDP của nước ta sẽ tăng trên 6%/năm, mở ra cơ hội mới cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành cấp nước.
Vài tháng sau khi cổ phần hóa, Biwase đã thực hiện xong các thủ tục định giá tài sản, thoái vốn chủ sở hữu đúng với trình tự thủ tục pháp luật quy định và tiến hành bán cổ phiếu lần đầu (IPO) ra công chúng thông qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOS) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị cổ phiếu bán ra là 1.500 tỷ đồng, tương đương 150 triệu cổ phiếu. Kết quả là 150 triệu cổ phiếu của Biwase đã được bán hết ngay tại phiên chào bán đầu tiên, với giá bình quân 14.300 đồng/cổ phiếu, tăng 14,3% so với dự kiến. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư đối với Biwase là rất lớn và thương hiệu Biwase đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng, khách hàng gần xa.
Ông Nguyễn Văn Thiền đánh cồng thông báo cổ phiếu BWE của Biwase chính thức giao dịch trên Sàn chứng khoán TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: DUY CHÍ
- Sự kiện Biwase lên sàn giao dịch chứng khoán không chỉ là niềm vui, niềm vinh hạnh của riêng công ty mà còn là hình ảnh của một Bình Dương uy tín, năng động, phát triển trong mắt các nhà đầu tư. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình nhân sự kiện này, thưa ông?
- Biwase trước đây là một doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hậu cần nhưng phải đi trước là cung cấp nước sạch, thu gom xử lý rác thải, nước thải phục vụ quá trình thu hút đầu tư, phát triển dân cư, đô thị, công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phù hợp với quy hoạch chung và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đây là nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng, nên trong quá trình triển khai thực hiện công ty đã gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không được quan tâm động viên kịp thời cũng như tinh thần đoàn kết, quyết tâm làm việc quên mình vì trách nhiệm và không ngừng học hỏi để tiến bộ của cả tập thể thì rất khó hoàn thành niệm vụ. Nhìn ra một số địa phương khác cho thấy, ở những nơi đó cũng được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi từ các bộ, ngành và của tỉnh nhưng kết quả đạt được vẫn không như mong muốn…
Xin được đúc kết ngắn gọn là: Sự thành công của Biwase là nhờ vào thành công của tỉnh Bình Dương, mà cụ thể là tầm nhìn chiến lược, tính năng động, đoàn kết, sáng tạo của các vị lãnh đạo tỉnh trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh trong hoàn cảnh hết sức khó khăn để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Trên nền tảng đó công ty đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách kết hợp với nắm bắt kịp thời các thời cơ để trên dưới một lòng quyết tâm vượt lên, cùng với sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, sự sẻ chia của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đã sát cánh cùng chúng tôi và đang tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng Biwase trên con đường phía trước.
- Thưa ông, 30 năm trước khi tiếp nhận nhiệm vụ, ông có nghĩ rằng sẽ đưa công ty trở thành doanh nghiệp đại chúng như hôm nay?
- 30 năm trước, cũng như trong quá trình điều hành tôi chưa bao giờ có ý nghĩ rằng mình sẽ đưa công ty trở thành công ty đại chúng, có cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, bởi vì nhiệm vụ của công ty là rất nặng nề so với những gì mà công ty có. Cụ thể như sau ngày đất nước được giải phóng, năng lực cấp nước của công ty rất thấp vì sử dụng nguồn nước từ giếng khoan; hệ thống vừa cũ nát, bị chiến tranh tàn phá, vừa không kiểm soát, quản lý hết. Đến khi đổi mới, Bình Dương được chọn triển khai khu công nghiệp kiểu mẫu đầu tiên của cả nước là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Để xây dựng và đưa khu công nghiệp đi vào hoạt động, yêu cầu đầu tiên là phải có điện, có nước. Là tỉnh nghèo nhất cả nước như Bình Dương lúc đó, để có tiền xây dựng nhà máy, hệ thống đường ống đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là một thử thách quá lớn, thậm chí nhiều năm liền được xem là doanh nghiệp công ích. Đặc biệt, với một đơn vị vừa nhỏ về quy mô vừa yếu về mọi thứ như chúng tôi lúc đó thì đây là một câu chuyện rất ly kỳ với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Đứng trước khó khăn thử thách quá lớn, nhưng nhìn lại các tỉnh, thành khác của cả nước thì Bình Dương có phần may mắn. Điều này đã cho chúng tôi cảm hứng lạc quan và niềm tin chiến thắng khó khăn để vượt lên chính mình. Từ định hướng của tỉnh là tập trung nguồn lực để chuyển sang nguồn nước mặt có quy mô lớn hơn, chủ động hơn để phát triển công nghiệp - đô thị, anh em chúng tôi lao vào công việc với tinh thần “vừa làm vừa học”, học ở người nước ngoài và học bất cứ nơi đâu trên tất cả các lĩnh vực liên quan: Từ tìm kiếm nguồn vốn đến kiến tạo, quản lý vận hành hệ thống đường ống mới, nhà máy mới; kiểm soát và giảm thất thoát nước đến mức thấp nhất có thể để tiết kiệm chi phí, tăng khả năng và chất lượng phục vụ. Đây là bài toán rất khó mà ngành cấp nước các địa phương đang phải giải quyết.
Bằng niềm tin và nghị lực vượt qua khó khăn, chúng tôi vừa có được những người thầy tốt, những người bạn tốt và những nhà tài trợ tốt, giúp chúng tôi làm chủ được công nghệ hiện đại, vận hành đạt hiệu quả tốt và hình thành bộ máy tốt để làm tốt nhiệm vụ của mình như hôm nay.
- Lên sàn vừa mở ra cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh vừa góp phần vào sự lựa chọn của các nhà đầu tư. Ông có thể giới thiệu đôi nét về kế hoạch phát triển sắp tới của Biwase, thưa ông?
- Chiến lược phát triển của công ty luôn gắn liền với tầm nhìn và sự phát triển của tỉnh Bình Dương. Hiện tại, Bình Dương có 28 khu, cụm công nghiệp với trên 30.000 doanh nghiệp, đó cũng là khách hàng của công ty. Biwase được Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam đánh giá cao về hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực cấp thoát nước. Do đó, giá dịch vụ cấp nước của công ty luôn ở mức cạnh tranh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Lên sàn, nghĩa là công ty đã có sự thay đổi về chất. Mọi hoạt động đều phải công khai, minh bạch để tiếp tục thu hút và đáp ứng nguyện vọng của các nhà đầu tư cũng là yêu cầu phát triển tất yếu của công ty. Đến năm 2030, công ty phấn đấu tỷ lệ thu gom xử lý nước thải đạt 80%, rác thải đạt 100%. Bình Dương đã được Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá làm tốt trên lĩnh vực cung cấp nước sạch, thu gom xử lý rác thải, nước thải, môi trường. Thế mạnh này sẽ được tiếp tục phát huy hơn nữa cùng với yêu cầu thoát nước đô thị, hoa viên nghĩa trang. Các lĩnh vực này đều cần vốn, công nghệ mới. Có công nghệ hiện đại, quản lý tốt sẽ mang lại hiệu quả cao và bền vững.
- Xin cảm ơn ông!
DUY CHÍ (thực hiện)