Trở thành chủ trang trại tiêu biểu từ cây quýt

Thứ ba, ngày 14/08/2012

Với sự học hỏi không ngừng và lòng say mê lao động đã giúp cho ông Lê Văn Phấn (ấp 3, xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát) thành công với cây quýt. Loại cây trồng này đã giúp ông Phấn làm giàu và trở thành chủ trang trại (TT) tiêu biểu của tỉnh Bình Dương năm 2011.

Làm giàu từ cây quýt

Ông Lê Văn Phấn quê gốc ở tỉnh Long An. Thời ở quê nhà, ông cũng đã từng thành công với nghề trồng mía và chế biến mía đường. Được người anh hướng dẫn, năm 1998, ông Phấn tìm đến vùng đất Bến Cát, Bình Dương để mua đất mở TT. Quyết định của ông Phấn bị gia đình phản đối, vì lúc này nghề chế biến mía đường ở Long An đang phát triển và mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập lớn. Nhưng với tầm nhìn rộng, ông Phấn quyết tâm bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ ngơi trên vùng đất mới. Sau này, ông Phấn cho rằng quyết định của mình lúc đó tuy có vội vàng nhưng đúng hướng vì chỉ vài năm sau nghề chế biến mía đường bắt đầu “xuống dốc”.

 Ông Lê Văn Phấn quan sát cây quýt tại trang trại ở Lộc Ninh, Bình Phước

Với số vốn tích lũy được từ nghề chế biến mía đường, ông Phấn mua được gần 4 ha đất. Quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp và chọn được vùng đất thích hợp cho các loại cây trồng, nhưng cũng như nhiều người đến đây lập nghiệp, lúc đầu ông Phấn vẫn chưa định hướng được là nên trồng cây gì để đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định lâu dài. Khi thấy ông Phấn cưa bỏ cây cao su và điều sắp cho thu hoạch trên diện tích đất vừa mua để trồng cây ăn trái, nhiều người dân địa phương cho rằng ông “không bình thường”! Tuy đã quyết đưa cây ăn trái từ quê nhà lên vùng đất mới, nhưng lúc đầu ông cũng chỉ dám trồng thử mỗi thứ một ít các loại cây trồng đang thịnh hành lúc bấy giờ là sầu riêng, nhãn, quýt... Riêng với cây quýt, sau một thời gian trồng thử nghiệm, ông Phấn nhận ra khả năng ổn định lâu dài của loại cây trồng này và quyết tâm đầu tư vào cây quýt. Đến năm 2004, ông chuyển hẳn sang trồng cây quýt đường. Khi chuyển đổi, một lần nữa ông lại gặp khó khăn về vốn, phải vay mượn tiền của anh em trong gia đình để tiếp tục duy trì sản xuất.

Theo tính toán của ông Phấn, trồng quýt thời gian cho thu hoạch ngắn, chỉ sau 2 năm là cây quýt đã cho thu hoạch. Khi cây cho thu hoạch ổn định, năng suất có thể đạt tới 50 tấn/ha. Giá bán trung bình tại vườn là 15.000 đồng/kg. Với 1 ha trồng quýt, chủ vườn có thể thu về trên 700 triệu đồng/năm, trừ hết các chi phí còn lãi gần 500 triệu đồng/ha. Chỉ tính riêng trong năm 2011 vừa qua, ông Phấn đã thu trên 1 tỷ đồng từ việc trồng quýt. Nhờ đó, TT của ông giải quyết việc làm ổn định cho 12 lao động thường xuyên với mức lương từ 3,5 triệu đồng đến trên 6 triệu đồng/tháng, chưa tính số lao động thời vụ.

Ông Phấn cho biết, lợi thế của cây quýt đường là cho sản lượng cao, giá cả ổn định. Tuy nhiên, trồng các loại cây có múi rất khó, trong đó trồng cây quýt đường lại càng khó hơn và đòi hòi người trồng phải nắm vững về kỹ thuật, phải có số vốn ban đầu lớn. TT của ông Phấn trồng chủ yếu các giống quýt ghép (lấy mắt cây quýt ghép trên gốc chanh). Để có thể thành công với cây quýt, ông đã nghĩ ra cách làm riêng so với những người trồng quýt xung quanh. Nhiều người cho rằng trồng quýt thì cần phải trồng tràm để che mát cho cây, tránh trái bị nám vì nắng. Nhưng với ông thì không, ông không che cho cây quýt, trái lại ông còn trồng thưa hơn những nhà vườn xung quanh và kết quả là vườn quýt của ông có năng suất cao hơn và sản phẩm cũng đạt chất lượng hơn.

Với số vốn tích lũy được từ 4 ha quýt tại Bến Cát, ông tiếp tục mua thêm 13 ha đất tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước) để tiếp tục trồng quýt và diện tích này của ông cũng đang cho thu hoạch. Hiện nay, tổng cộng ông Phấn đã có 17 ha trồng quýt xen canh cây cam với năng suất rất cao. Mặc dù sở hữu diện tích trồng quýt lớn, nhưng ông Phấn cho biết không hề lo lắng về đầu ra vì sức tiêu thụ của thị trường là rất lớn và ổn định. Qua thương lái, sản phẩm của TT ông Phấn hiện được các siêu thị nhập hàng và đưa ra tiêu thụ tới các tỉnh miền  Trung, miền Bắc. Kế hoạch dài hơi của ông Phấn là liên hệ với đối tác để xuất khẩu trong thời gian tới.

Làm nông nghiệp cũng phải học

Mặc dù đã ở vào tuổi 62 và căn bệnh thấp khớp kinh niên hành, khiến việc đi lại khó khăn, nhưng ông Phấn vẫn còn hăng say với công việc hàng ngày. Dù đi công tác hay đi thăm vườn cây, bên người ông lúc nào cũng kè kè cái cặp táp, trong đó chứa đầy các tài liệu về kỹ thuật trồng cây có múi. Trao đổi với chúng tôi, ông giải thích rành rọt về kỹ thuật trồng cây quýt và các loại cây trồng khác như một kỹ sư nông nghiệp thực thụ. Với từng cây quýt, cây cam chỉ cần quan sát lá hoặc trái là ông đã có thể nhận biết cây đang thiếu những chất gì, cần bổ sung chất dinh dưỡng sao cho phù hợp. Ông cho biết, trồng quýt đã khó nhưng khâu chăm sóc là khó nhất. Bón phân không đúng, không đủ thì cây không đạt năng suất và xem như mình sẽ thua. Bón phân chuồng cho cây quýt rất tốt, nhưng phân cần phải được xử lý thật tốt trước khi bón cho cây, nếu không thì các loại vi khuẩn gây bệnh trong phân sẽ dễ dàng xâm nhập gây hại cho cả vườn cây. Khâu làm đất cũng cần phải chú ý, đất trồng quýt cần phải vun lên cao 2 - 3 tấc để cây không bị ngập úng và thoát nước tốt, có như vậy cây mới khỏe và sinh trưởng tốt. Cây quýt rất cần nước nhưng nhiều quá cũng không tốt vì dễ làm cho rễ cây bị úng và chết.

Theo ông Phấn, điều nguy hiểm nhất đối với cây quýt là thiếu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó là bệnh tuyến trùng rễ, các loại nấm hại gây thối rễ, thân cây. Ông Phấn cũng là một trong những nông dân điển hình về việc ứng dụng các kỹ thuật cao trong sản xuất với việc sử dụng hệ thống tưới phun sương. Hệ thống tưới này đã giúp ông tiết kiệm được nhiều chi phí thuê nhân công. Ngoài ra, việc ứng dụng hệ thống tưới này đã giúp cho vườn cây của ông sinh trưởng tốt, đồng đều và đạt năng suất cao hơn so với cách tưới kéo ống thông thường trước đây. Ông Phấn tâm sự, trồng loại cây có múi này cơ bản là phải tham khảo thật nhiều các tài liệu hướng dẫn, nhưng khi áp dụng vào thực tế sản xuất thì phải tự mình đúc kết kinh nghiệm riêng để áp dụng hiệu quả chứ không rập khuôn. “Mặc dù đã thành công với cây quýt, nhưng tôi vẫn luôn học hỏi để có thể nâng cao hơn nữa năng suất vườn cây của mình”, ông Phấn nói.

Để có điều kiện giúp đỡ những người khác, hiện ông Phấn còn mở cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Không phải là người trực tiếp bán hàng, nhưng ông Phấn thường xuyên tranh thủ có mặt tại cửa hàng để hướng dẫn nông dân cách sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sao cho phù hợp để tránh lãng phí và bảo vệ tốt vườn cây, hướng dẫn họ về cách xử lý các loại sâu bệnh trên cây trồng.

“Theo tôi, làm nông nghiệp cũng phải có tâm huyết, phải có tầm để có cách thức sản xuất phù hợp. Với tôi, con đường đi đến thành công trong sản xuất nông nghiệp là chọn loại cây trồng khó trồng nhất để theo đuổi. Sở dĩ hoạt động sản xuất của nhiều bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn là do họ chưa được đào tạo một cách bài bản về các kỹ thuật canh tác. Do vậy, cần phải mở nhiều lớp tập huấn về nông nghiệp ngay tại các địa phương cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, cần thành lập các câu lạc bộ TT để các chủ TT có thể trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất”.

(ông Lê Văn Phấn)

CAO SƠN