Trợ lực phát triển nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp trong nước - Bài 2
(BDO) Bài 2: Lựa chọn mô hình phù hợp áp dụng vào thực tiễn nhà máy
Tại hội nghị “Thúc đẩy mô hình chuyển đổi số cho DN ngành Công thương năm 2024” mới đây, các DN, hiệp hội đã cùng nhau lắng nghe những chia sẻ từ các chuyên gia về chuyển đổi số, tìm hiểu mô hình nhà máy thông minh và thảo luận về các thách thức, cơ hội mà DN tỉnh Bình Dương đang đối mặt.
Các mô hình được chuyên gia phân tích tại hội nghị “Thúc đẩy mô hình chuyển đổi số cho DN ngành Công thương năm 2024”
Tìm giải pháp phù hợp
Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển mô hình nhà máy thông minh, như: lan tỏa mạnh mẽ những mô hình nhà máy thông minh cho các DN nhỏ và vừa; tổ chức các triển lãm, khảo sát, chia sẻ các bài học thành công của các nhà máy thông minh; xây dựng tiêu chuẩn và chứng nhận các nhà máy thông minh; đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu và phát triển các mô hình nhà máy thông minh; tăng cường công tác đào tạo và huấn luyện về nhà máy thông minh, nhất là ở các trường đại học…
Tại hội nghị, tiến sĩ Hà Lâm Oanh, Trường Đại học Thủ Dầu Một, giới thiệu các tiêu chí đánh giá mức độ sản xuất thông minh – nhà máy thông minh của Chính phủ - Tổ chức Tài chính Quốc tế; đồng thời khẳng định: nền công nghiệp 4.0 cho phép các nhà xưởng, xí nghiệp sản xuất áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để nâng cao năng suất hoạt động, tạo ra nhiều lợi nhuận. Để thực hiện được những vấn đề trên, có các chỉ tiêu, bộ giải pháp điều hành sản xuất nhà máy thông minh ra đời giúp các DN dễ dàng tiếp cận, triển khai.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại hội nghị
Tiến sĩ Lê Ngọc Huẩn, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Công nghiệp 4.0 Việt Nam – Singapore, Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, giới thiệu giải pháp kết nối dữ liệu không dây IoT trong nhà máy đang trở thành một xu hướng mới trong ngành công nghiệp hiện nay. Với việc sử dụng các thiết bị IoT, giải pháp này giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm chi phí và tăng hiệu suất… giúp DN dễ dàng chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhằm gia tăng năng suất lao động.
Đại diện Công ty TNHH VsTech - ông Lê Sỹ Toàn, giới thiệu về giải pháp IoT kết nối dữ liệu, giải pháp AI camera kiểm tra chất lượng bề mặt sản phẩm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với hệ thống robot và trí tuệ nhân tạo. Giải pháp này sẽ ứng dụng sản xuất tinh gọn, tự động hoá giám sát vận hành, giúp DN gia công ngành dệt may và da giày giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động...
Các chuyên gia nhấn mạnh, điều tiên quyết nhất phải tìm được giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn, phù hợp với định hướng chứ không phải máy móc áp dụng mô hình nguyên bản.
Chuyên gia Trường Đại học Thủ Dầu Một trao đổi với các doanh nghiệp
Giám đốc sở Công thương Nguyễn Thanh Toàn: Những kiến thức và kinh nghiệm từ hội nghị “Thúc đẩy mô hình chuyển đổi số cho DN ngành Công thương năm 2024”sẽ là kinh nghiệm quý để mỗi đơn vị, DN trong tỉnh Bình Dương bước đi trên hành trình chuyển đổi số một cách tự tin và thành công. Chúng ta hãy cùng nhau hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Để chương trình đạt được kết quả như mong đợi, các DN cần chủ động tận dụng cơ hội, nỗ lực triển khai, tiếp thu tri thức và kỹ năng mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất một cách hiệu quả nhất. Sở Công thương cam kết sẽ đồng hành với chương trình, góp phần tạo ra giá trị bền vững cho các DN phát triển kinh tế. |
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một kỳ vọng, sự kết hợp giữa các sở ngành, các chuyên gia, cộng đồng DN mang lại cơ hội “mở ra nhiều tiềm năng hơn nữa” bằng cách cho phép mở rộng quy mô, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, tiếp cận khách hàng dễ dàng với chi phí tối ưu hơn... nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho các DN, hiệp hội ngành hàng. Đặc biệt, tìm các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp các ngành hàng, hội, hiệp hội tiếp cận một số mô hình chuyển đổi số điển hình, đồng thời hỗ trợ cho các DN trên địa bàn tỉnh, để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới dựa trên công nghệ số, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giám đốc sở Công thương Nguyễn Thanh Toàn cũng cho rằng: sự kết hợp giữa 3 nhà mang lại cho nhiều kết quả thiết thực, giúp DN vận hành sản xuất thông minh, hiệu quả và tăng năng lực cạnh tranh; góp phần thực hiện chiến lược xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường: “Với nguồn kinh phí hoạt động từ đề án, trong thời gian tới chúng tôi sẽ hỗ trợ các DN, hiệp hội ngành hàng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột như: xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh,vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh… và đặc biệt là xây dựng nhà máy thông minh. |
Tiểu My-Cẩm Tú