Trò chuyện cùng nữ công nhân điển hình tiên tiến
(BDO) Dưới nắng sớm, trên cánh rừng cao su đang mùa cạo mủ, thấp thoáng đâu đó công nhân Nông trường Cao su Nhà Nai vừa thoăn thoắt đưa dao, vừa í ới vui đùa. Tôi có dịp gặp chị Lương Thị Dung, công nhân (CN) có nhiều sáng kiến trong việc khai thác “vàng trắng”, góp phần nâng cao sản lượng, hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị.
Chị Lương Thị Dung miệt mài với công việc thường ngày
Vượt khó
Thường ngày, khi mọi người đang say giấc nồng, thì những người CN của Nông trường Cao su Nhà Nai lại tất bật, đầu đội đèn pin vào rừng cao su, bắt đầu công việc. Chị Lương Thị Dung, CN Đội 2, Nông trường Cao su Nhà Nai, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, trải lòng tâm sự: “Vào làm công nhân cạo mủ khi tuổi mười tám đôi mươi, công việc phải đi làm từ tờ mờ sáng. Chưa kể những ngày trở trời, muỗi rừng bủa vây, rồi có những ngày gặp rắn, rết… nguy hiểm. Khổ hơn là lúc có con nhỏ, dậy đi làm sớm, con đói sữa tìm mẹ mới thấy thương con nhiều. Nhưng vì công việc, trách nhiệm nên đành chấp nhận và sắp xếp. Mọi vất vả cũng đã qua đi, giờ công việc đã quen thuộc rồi. Công ty tạo mọi điều kiện, quan tâm, chăm lo đời sống cho CN tốt, tôi thấy yên lòng và càng yêu nghề hơn” .
Chị Dung bộc bạch thêm: “Học xong cấp 2, vì hoàn cảnh gia đình nghèo nên tôi đành “xếp bút nghiêng”, xin vào làm CN cạo mủ cao su của Nông trường Cao su Nhà Nai. 15 năm gắn bó nghề với biết bao gian truân vất vả, nhưng cũng thấy quen rồi. Mỗi ngày, tôi được phân công cạo 400 cây (cây cạo chế độ T-H) để lấy mủ, công việc bắt đầu từ 3 giờ đến 9 giờ sáng. Sau khi cạo xong, tôi vội về nhà tranh thủ chợ búa, cơm nước lo cho chồng con. 10 giờ sáng, tất tả trở lại vườn cao su để trút mủ rồi đem về nhà đội, cân nhập mủ cao su cho nông trường”.
Có những lúc trời bất chợt đổ ập cơn mưa, chị em CN cạo mủ trở tay không kịp, những chén mủ trắng xóa hòa cùng nước mưa khiến hàm lượng mủ loãng mà lòng đầy xót xa, nuối tiếc… Theo kinh nghiệm, cao su là một loài cây nhiệt đới, sáng sớm, sau khi đã trải qua một đêm “nghỉ ngơi”, lượng nước trong thân cây cao su đang ở trong trạng thái dồi dào. Đây cũng là thời điểm sức nén của tế bào cây lớn nhất, vì vậy sẽ cho sản lượng cao nhất. Đến khoảng từ 8 - 9 giờ sáng, sau khi mặt trời mọc, quá trình quang hợp của cây bắt đầu, sức nén của tế bào trong thân cây cũng từ từ giảm xuống, lượng mủ sữa tiết từ trong cây ra sẽ ít dần đi. Do vậy, bắt buộc người khai thác mủ cao su phải đi làm từ rất sớm.
Xứng đáng chiến sĩ thi đua
Trưởng thành từ cán bộ Chi đoàn, chị Lương Thị Dung là một trong những CN tiêu biểu, đi đầu trong hoạt động sản xuất. Từ năm 2015 đến nay, tổng sản lượng mủ cao su bình quân đạt trên 13 tấn mủ/năm, mức sản lượng cao gần gấp rưỡi những CN khác. Để có được những thành quả đó, chị Dung cười vui tâm sự: “Thực ra không có bí quyết gì cả. Chỉ là sự chăm chỉ, cần cù lao động thôi. Ngày nào có CN nghỉ cạo hoặc phần cây không có người cạo, ngoài phần cây của mình, tôi xung phong nhận cạo hết phần cây đó để kiếm thêm thu nhập. Tức là ngày đó tôi phải cạo hết khoảng 700 - 800 cây, cả hai miệng cạo ngửa và miệng cạo úp. Có lúc mệt quá thì phải nhờ người thân hỗ trợ” .
Ngoài việc phải chăm sóc, bón phân định kỳ cho cây, để có được sản lượng cao, người CN cạo mủ cao su đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo, cạo đúng kỹ thuật, vuông tiền, vuông hậu, bảo đảm độ sâu của rãnh cạo, bôi thuốc kích thích mủ đúng quy định sẽ cho lượng mủ dồi dào, hàm lượng mủ cao, vừa bảo vệ tuổi thọ của cây cao su.
Anh Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Cao su Nhà Nai, cho biết chị Dung là CN chăm chỉ, chịu khó, nhiệt tình với mọi hoạt động của nông trường. Chị còn là CN có nhiều sáng kiến trong việc khai thác triệt để mủ cao su, nhận cạo vườn cây cao su do thiếu lao động hoặc do CN nghỉ ốm. Mặt khác, chị đề xuất lãnh đạo nông trường, xin nhận khai thác mủ trên vườn cây cạo hủy đang chờ cưa, cắt thanh lý; vận động gia đình, người thân và CN tham gia cạo mủ cao su để góp phần nâng cao tỷ lệ sản lượng mủ tận thu gối đầu cho nông trường.
Trong mấy năm trở lại đây, chị Dung liên tục là chiến sĩ thi đua của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Năm 2020, chị Dung vinh dự là cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2019 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
THU HƯỜNG