Trò chơi kéo co: Di sản văn hóa dễ bảo tồn
(BDO) Ngày 2-12-2015, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam cùng 3 nước là Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên địa bàn tỉnh, trò chơi kéo co được tổ chức thường xuyên thu hút đông người dân tham gia.
Môn kéo co tại Liên hoan văn hóa thể thao đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh thu hút đông người tham gia. Ảnh: THIÊN LÝ
Trò chơi của sự đoàn kết
Tại vòng chung kết môn kéo co nội dung đồng đội nam nữ, Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bình Dương năm 2016, để giành chiến thắng, các em học sinh của huyện Phú Giáo và TX.Thuận An đã thi đấu hết mình. Vừa nắm chắc phần dây thừng vừa ra sức kéo về phía sau, 10 học sinh đến từ Phú Giáo cố gắng để kéo phần dây đỏ buộc giữa sợi dây về phía đội mình. Bên kia, 10 học sinh TX.Thuận An cũng cố giành lấy chiến thắng. Bên ngoài, rất đông giáo viên, phụ huynh và học sinh các trường cổ vũ cho 2 đội làm cho không khí càng thêm sôi nổi.
Trò chơi kéo co vui, không kén tuổi nên người lớn cũng sẵn sàng tham gia. Do đó, trò chơi kéo co đã xuất hiện trong hầu hết hội thao các sở, ban, ngành, địa phương. Đặc biệt, trò chơi dân gian kéo co truyền thống còn có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Bình Dương. Trò chơi dân gian này đã góp phần giáo dục con người tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo để phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ. Chính vì vậy, tại liên hoan văn hóa, thể thao đồng bào dân tộc thiểu số, hay hội thao đồng bào dân tộc thiểu số đều có trò chơi này. Anh Lâm Văn Bảo (xã An Bình, Phú Giáo) nói, trò chơi này vui lắm, cách chơi rất đơn giản nên ai cũng chơi được. Muốn chiến thắng, mọi người trong đội phải đoàn kết, nắm chặt sợi dây và kéo thật mạnh về phía sau.
Dễ bảo tồn
Kéo co là trò chơi truyền thống được ưa chuộng nên khi kéo co của Việt Nam được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đã trở thành niềm vui của mọi người. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy trò chơi truyền thống này tiếp tục được duy trì, phát huy. “Chúng tôi rất vui vì kéo co được công nhận là di sản của thế giới. Chắc chắn trong các lần tổ chức hội thao, hay chương trình mừng Đảng - mừng xuân hàng năm, môn kéo co sẽ được chúng tôi đưa vào để mọi người củng cố thêm tinh thần đoàn kết, sức dẻo dai”, ông Nghiêm Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao TX.Dĩ An nói.
Theo ông Nguyễn Phú Yên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, kéo co không chỉ là trò chơi dân gian rèn luyện sức khỏe mà còn đem lại niềm vui, tinh thần tập thể, đoàn kết, sự thoải mái cho người chơi. Trò chơi này không cần phải luyện tập, mỗi đội cứ có đủ thành viên theo quy định của Ban tổ chức đặt ra là có thể thi đấu. Trò chơi vui như vậy nên hiện nay tại các hội thao, liên hoan văn hóa, thể thao của các sở ngành, địa phương, trường học… đều có môn thi kéo co. Đây có thể nói là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam mà việc bảo tồn sẽ rất dễ dàng, lan tỏa sâu rộng.
Trò chơi kéo co là sự kết hợp nhiều người với nhau, không phân biệt nam, nữ; kéo bằng dây hoặc bằng tay. Người chơi chia làm hai đội, mỗi đội khoảng 10 - 15 người dưới sự điều khiển của trọng tài, theo thể thức bốc thăm chia bảng. Đấu vòng tròn hoặc loại trực tiếp, hai đội kéo với nhau bằng sợi dây thừng dài, mỗi đội cầm một bên, ở giữa buộc một mảnh vải đỏ chia sợi dây ra hai phần bằng nhau. Trên sân vạch một đường giới hạn để phân cách thắng thua. Đội nào kéo được đối phương qua vạch giới hạn thì đội đó sẽ giành phần thắng...
T.LÝ