Triết lý để Bình Dương phát triển - Bài 2

Thứ năm, ngày 31/03/2022

(BDO) Bài 1: Truyền thống đoàn kết - sức mạnh thời đại

Bài 2: Năng động, sáng tạo, đột phá

Đánh thức tiềm năng

Có được thành tựu ấn tượng trong 25 năm qua, trước hết phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh qua các thời kỳ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực đầu tư, thực hiện nhiều quyết sách đúng đắn, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh.


Bình Dương với quyết sách táo bạo, phù hợp đã thành công trong xây dựng và phát triển các khu công nghiệp tập trung. Trong ảnh: VSIP 1, thương hiệu KCN kiểu mẫu của Bình Dương lan tỏa, tác động ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước

Ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại, một trong những lợi thế sẵn có và là động lực cho Bình Dương phát triển lúc bấy giờ là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn, có vị trí thuận lợi đang “khát” công nghiệp, “khát” đầu tư… Lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ cho rằng, phóng tầm mắt nhìn sang các địa phương khác mới thấy tiềm năng của Bình Dương là rất lớn. Tỉnh quyết tâm làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển chung. Đầu tiên, Bình Dương tập trung phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Bình Dương là địa phương có nhiều khu VSIP nhất tại Việt Nam và mỗi dự án đánh dấu một bước phát triển mới. Dự án VSIP 3 được triển khai theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bền vững hơn, bao trùm hơn, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ lượng sang chất, phù hợp với xu thế của thế giới và của Việt Nam”.

Tiếp nối chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, đến “trải thảm đỏ thu hút nhân tài”, sau ngày tái lập tỉnh năm 1997, lãnh đạo tỉnh đã luôn nhận thức và hành động theo quan điểm nhất quán là để phát triển cần phải đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và con người. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã chủ động đề ra các giải pháp để thu hút đầu tư.

“Bên cạnh những cải tiến, sự linh hoạt trong chào mời các nhà đầu tư, ở Bình Dương có nhiều lợi thế so với các tỉnh, thành trong khu vực, cũng như cả nước. Đặc biệt là cơ chế chính sách rất thông thoáng, minh bạch đã tạo ra những điểm cộng trong mắt nhà đầu tư. Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, trước khi đến họ thường tìm hiểu cách đối xử của chính quyền với doanh nghiệp như thế nào? Mình đối xử tốt với người ta rồi, tiếng thơm bao giờ cũng bay xa, đất lành, chim đậu…”, ông Hồ Minh Phương khẳng định.

Sự phát triển ngoạn mục

KCN VSIP 3 được khởi công đúng vào dịp Bình Dương hân hoan kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển. Đây là KCN VSIP thứ 11 trên cả nước và là KCN VSIP thứ 3 tại Bình Dương. Nói đến VSIP, trong ánh mắt của bất cứ người con dân Bình Dương nào cũng lấp lánh niềm tự hào. Đây cũng là thành quả của cách làm mới, tư duy mới của Bình Dương. KCN VSIP 3 không chỉ là dự án đánh dấu một bước phát triển mới, mà còn góp phần thay đổi đáng kể trong việc phát triển bền vững hơn của tỉnh.

Trải qua 1/4 thế kỷ, Bình Dương có dịp nhìn lại những thành tựu đáng tự hào về kinh tế - xã hội đã đạt được. Quy mô nền kinh tế của Bình Dương đã lớn mạnh hơn, sức cạnh tranh đã cải thiện đáng kể, đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền đã tạo tiền đề, nền tảng cơ bản để tỉnh tiếp tục đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát huy hiệu quả; môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm cải thiện; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên... thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực mới.

Bình Dương hiện đang giữ nhiều vị trí trong tốp đầu của Việt Nam. Bình Dương đứng thứ hai trong thu hút FDI, thu nội địa đứng thứ ba cả nước, là một trong năm tỉnh, thành có đóng góp và tỷ lệ trích nộp vào ngân sách Trung ương nhiều nhất, là địa phương luôn có tỷ lệ xuất siêu cao nhất cả nước, là tỉnh đầu tiên không còn hộ nghèo theo tiêu chí cả nước, là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... Và trên tất cả, ở Bình Dương dù là người dân bản xứ, người lao động ngoài tỉnh đều có cùng chung cơ hội hưởng thụ những thành quả từ sự phát triển này.

Thành quả mà Bình Dương đạt được hôm nay, đó cũng chính là sự ghi nhận, trân trọng, hợp tác và tin tưởng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế. Hiện tỉnh đang thu hút được vốn đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những dự án lớn trị giá lên tới hàng tỷ đô la Mỹ ngày một xuất hiện nhiều hơn. Đây là kết quả đáng khích lệ cho những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc chủ động, sáng tạo công tác xúc tiến và tiếp nhận đầu tư.

Hiện thực hóa khát vọng vươn tầm

Trải qua 1/4 thế kỷ, nhờ đón bắt xu thế phát triển và hội nhập của đất nước để sớm định hình hướng đi và cùng với cách làm riêng, Bình Dương đã có những thay đổi mang tính đột phá trên nhiều phương diện. Bình Dương trở thành một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh nhất cả nước, là nơi hội tụ nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, đưa địa phương chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế mới về một Bình Dương đổi mới, năng động, sáng tạo; tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh nói riêng, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước nói chung.

Tiến sĩ Mai Hữu Tín, một doanh nhân, một người con Bình Dương nhớ lại: “Thời điểm mới tái lập tỉnh, tôi thường xuyên tiếp xúc, được nghe các vị lãnh đạo tỉnh… trao đổi với vô vàn trăn trở để tìm mọi cách phát triển tỉnh, cải thiện đời sống của người dân. Tôi vẫn nhớ như in những chuyến đi ra nước ngoài tham quan và học tập với lãnh đạo tỉnh vào những năm khó khăn đó. Chú Út Phương (ông Hồ Minh Phương) đã thức nói chuyện gần như suốt đêm sau khi tham quan các KCN to đẹp, với cơ sở hạ tầng đồng bộ của Thái Lan. Với tất cả chúng tôi ở thời điểm đó, các KCN này là giấc mơ, tạo khát vọng vô cùng mạnh mẽ để phấn đấu làm theo. Tinh thần đổi mới, cầu thị, sẵn sàng học hỏi của lãnh đạo tỉnh lan tỏa xuống cán bộ cấp dưới và tác động trực tiếp đến những người trẻ chúng tôi, thôi thúc phải cố gắng học hỏi, hoàn thiện mình để có thể góp phần mình vào sự nghiệp chung của tỉnh”.

Thành quả mà lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã xây dựng trong 1/4 thế kỷ qua là nền tảng, là niềm tin và hy vọng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Thời cơ và những thách thức mới đòi hỏi tỉnh nhà tiếp tục có sự quyết tâm, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, kiên trì với những mục tiêu chiến lược đã đặt ra, để Bình Dương tiếp tục vươn tới những tầm cao mới. (còn tiếp)

Đến năm 2022 GRDP bình quân đầu người của Bình Dương đạt 153,6 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 68,12% - 21,42% - 3,1% - 7,36%. Toàn tỉnh có 55.267 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 546.000 tỷ đồng; có 4.040 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 39,4 tỷ đô la Mỹ. Bình Dương đã thành lập 29 KCN, tổng diện tích quy hoạch 12.670 ha. Trong đó, có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.624 ha, các KCN đã cho thuê đất đạt tỷ lệ lấp đầy 89,98%.

NGỌC THANH

Từ khóa: