Triển vọng từ những thị trường mới
Hôm nay (10-6), lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Australia. Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Rồng Đỏ sẽ xuất lô vải đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Australia sau khi được cơ quan chức năng nước này cho phép nhập khẩu. Trước đó, vào ngày 30-5, Công ty TNHH Ánh Dương Sao cũng đã xuất khẩu những lô vải đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Đây thực sự là tin vui của người nông dân, khi nông sản của Việt Nam nói chung, trái cây nói riêng đã vượt đại dương đến với các nước vốn khắt khe trong việc nhập khẩu.
(BDO)
Ngoài 2 thị trường trên, ngày 4-6 vừa qua, 500kg vải thiều của nông dân Hợp tác xã Bình Minh, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã có mặt tại Thủ đô Paris, trong siêu thị Việt Thanh Bình Jeune. Theo Bộ Công thương, để vào được thị trường khó tính như Pháp và các nước EU nói chung, trái cây phải được xử lý xông hơi lưu huỳnh để diệt các loại sâu bọ. Tỉnh Bắc Giang đã thực hiện trồng vải theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGap và tiêu chuẩn VietGAP. Sau vài ngày có mặt tại thị trường Pháp, vải thiều Việt Nam nhận được phản hồi tốt, chất lượng và hình thức hơn hẳn một số loại vải ở các nước như: Madagascar, Nam Phi và cả Thái Lan.
Có thể nói, thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam có vùng đất thích hợp trồng những loại trái cây không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Ngoài xuất sang các nước lân cận, trái cây Việt Nam còn được quảng bá rộng rãi và vươn đến thị trường EU và châu Mỹ. Thanh Long, chôm chôm, nhãn, xoài… của Việt Nam cũng đã xuất khẩu từ lâu. Trong các thị trường, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam.
Mừng khi nông sản đã được xuất sang nhiều nước. Càng mừng hơn khi nông sản Việt từng bước tìm được thị trường tiêu thụ mới để dần bớt đi sự lệ thuộc vào một thị trường tiểu ngạch bên kia biên giới phía Bắc mà phần thua thiệt luôn đứng về phía ta. Hàng trăm tấn dưa hấu phải đổ bỏ vì kiểu làm ăn thích thì mua không thích thì bỏ khiến cho hàng trăm xe dưa xếp hàng chờ dài hàng chục cây số nơi biên giới… là những cụ thể điển hình. Không chỉ riêng dưa hấu, nhiều mặt hàng nông sản khác cũng đã từng chịu những cảnh tương tự được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Để tạo uy tín của thương hiệu nông sản Việt với bạn bè quốc tế, các ngành chức năng, nhất là ngành nông nghiệp nên tăng cường hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, có định hướng trồng những loại cây phù hợp với thị trường, đặc biệt là chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm. Bên cạnh những tín hiệu lạc quan trên, về phía ngành thương mại nên đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tích cực tìm thêm những thị trường mới cho nông sản Việt để tránh lệ thuộc vào một thị trường nào đó.
VĂN HIỆP