Triển vọng từ cảng Thạnh Phước
Hệ thống giao thông đường bộ hiện nay đã quá tải làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Vì vậy, việc đầu tư các cảng sông có ý nghĩa rất quan trọng và đang mở ra một hướng đi mới. Với việc cảng Thạnh Phước chuẩn bị đi vào hoạt động là sự kiện đang được giới doanh nghiệp quan tâm. Đây sẽ là kênh tạo thuận lợi nhiều cho việc vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu (XNK)...
Triển vọng
Bình Dương là tỉnh công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có lượng hàng hóa XNK trên 15 tỷ USD hàng năm và có rất nhiều doanh nghiệp khác đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành lân cận. Vì vậy, việc đầu tư vào cảng sông góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn và đang được các cấp, các ngành quan tâm. Bởi lẽ đây là phương tiện vận chuyển cạnh tranh giúp giảm lượng xe vận tải bằng đường bộ, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông; đồng thời giảm bớt thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Với tầm quan trọng đó, cảng Thạnh Phước do Công ty Cổ phần Cảng Thạnh Phước (góp vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng - Tư vấn - Đầu tư Bình Dương, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Công ty Cổ phần giao nhận vận tải U&I) làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 7-2007. Ngày 22-4-2010, dự án cảng đường sông nội địa này đã được khởi công xây dựng.
Cảng Thạnh Phước đi vào hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp
Nằm tại xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, với vị trí thuận lợi ở phía đông nam tỉnh Bình Dương, trên sông Đồng Nai được kết nối với các trục đường chính của tỉnh và kết nối vùng thuận lợi. Cảng Thạnh Phước được xem là một trong số các cảng sông tại Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng để phát triển. Dự án có quy mô xây dựng trên diện tích 63 ha, gồm 16 cầu cảng với tổng vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng; cảng có khả năng tiếp nhận tàu và xà lan từ 1.000 -2.000 tấn. Cảng được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thuộc thế hệ thứ 3 theo quy định của hệ thống cảng hiện đại quốc tế và được chia làm hai giai đoạn. Khu cảng giai đoạn 1 có diện tích xây dựng 25 ha với tổng vốn đầu tư 780 tỷ đồng bao gồm 8 cầu cảng, đường bãi, nhà kho, thiết bị bốc xếp...; thời gian đầu tư giai đoạn 1 từ năm 2010 đến 2014; khi hoàn tất công suất bốc dỡ hàng hóa của giai đoạn này là 2,5 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2 của cảng được tiến hành xây dựng từ năm 2014-2018 trên diện tích 28 ha với 8 cầu cảng cùng các công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí xây dựng giai đoạn 2 lên đến 610 tỷ đồng, khi giai đoạn này hoàn chỉnh sẽ nâng tổng công suất bốc dỡ hàng năm đạt bình quân 5 triệu tấn.
Sau 18 tháng thi công, đến nay hệ thống hạ tầng cảng Thạnh Phước đã cơ bản hoàn tất như hạ tầng giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, hệ thống chiếu sáng, kho hàng kiện nặng, bến số 1 và 2... Đối với thiết bị chuyên dụng phục vụ cảng như 2 cẩu Liebherr đã được lắp đặt, xe nâng container... đều đã được chủ đầu tư chuẩn bị hoàn tất. Bên cạnh đó, công ty đã xúc tiến và hợp tác với nhiều đối tác, cụ thể công ty đã ký thỏa thuận hợp tác 21 khách hàng với số lượng ước tính là 3.838 container/tháng; công ty đã làm việc với 30 hãng tàu, trong đó có nhiều hãng cam kết đưa container rỗng về cảng ngay sau khi cảng đi vào hoạt động. Công ty đã làm việc và hợp tác với các đơn vị vận tải sà lan để vận chuyển từ cảng Thạnh Phước đến các cảng trong khu vực. Với cảng nước sâu, công ty đã làm việc và là đơn vị đầu mối cho cảng Cát Lái... Ngoài ra, công ty đã trao đổi với đầu mối làm hàng rời ở cảng thủy nội địa Nhất Nam nhằm chuyển hàng về cảng Thạnh Phước...
Khơi thông tiềm năng đường thủy
Việc đầu tư xây dựng cảng Thạnh Phước sẽ mở ra cơ hội và góp phần ổn định thu hút đầu tư. Dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương. Sau khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ trở thành cửa ngõ thông thương hàng hóa XNK của Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cảng sẽ góp phần rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa XNK, kết nối hạ tầng giữa các khu công nghiệp của tỉnh đến với các cảng quốc tế nước sâu; quan trọng hơn, giúp doanh nghiệp chủ động được giờ giấc trong vấn đề điều tiết đưa hàng đến cảng biển mà không lo trễ giờ như từng xảy ra ở phương tiện vận chuyển đường bộ.
Tầm quan trọng là vậy, thế nhưng lo lắng từ chủ đầu tư cho thấy, để cảng đạt hiệu quả thật sự trước mắt vẫn còn nhiều thách thức rất cần sự hỗ trợ của địa phương và Trung ương. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Thạnh Phước chia sẻ: “Bên cạnh thuận lợi thì chúng tôi gặp một số khó khăn như hạ tầng giao thông ngoài dự án thật sự chưa tốt, một số tuyến đường kết nối hạ tầng giữa cảng với các khu công nghiệp chính của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu nên rất mong tỉnh quan tâm giải quyết”. Bên cạnh đó, không riêng gì cảng Thạnh Phước, để phát triển mạnh giao thông đường thủy nhằm khai thác tiềm năng của sông Đồng Nai, vấn đề chung hiện nay được các tỉnh quan tâm chính là tĩnh không thông thuyền bị hạn chế bởi cầu Gềnh bắc qua sông Đồng Nai hiện đã cũ kỹ và lỗi thời. Vấn đề này rất cần sự phối hợp của chính quyền các địa phương và Trung ương. Nếu giải quyết được, khơi thông tuyến vận chuyển đường thủy quan trọng này, giúp sà lan trọng tải lớn hơn có thể dễ dàng đi lại, giảm chi phí thêm cho các doanh nghiệp... thì chắc chắn, sông Đồng Nai không chỉ thuận lợi trong giao thông đường thủy mà còn tác động phát triển mạnh công nghiệp - dịch vụ - đô thị của các địa phương có con sông chảy qua.
TRỌNG MINH