Triển vọng phát triển dịch vụ logistics

Thứ bảy, ngày 05/09/2020

(BDO) Thời gian qua, để tạo lợi thế cho hàng hóa địa phương vươn ra “biển lớn”, chính quyền tỉnh và các doanh nghiệp (DN) có nhiều giải pháp căn cơ nhằm đưa logistics phát triển bền vững.


Xuất hàng tại Công ty Rever Food (KCN Tân Bình)

Nâng cao sức cạnh tranh

Bình Dương phát triển tập trung nhiều khu công nghiệp hiện đại, quy mô lớn, đa dạng các chủng loại sản phẩm xuất khẩu tạo nguồn hàng dồi dào cho các hoạt động dịch vụ logistics. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics, gia tăng giá trị hàng hóa trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn mới.

Trong xu thế đó, các DN trong Hiệp hội Logistics cũng đã nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp để phát triển. Các DN đã đẩy mạnh kết nối, tổ chức lại hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực và chất lượng các đơn vị cung ứng dịch vụ của ngành, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tin học trong thương mại, logistics hướng đến cắt giảm chi phí. Hiệp hội Logistics Bình Dương triển khai đề án giảm chi phí cho DN hướng đến 3 mục tiêu hoạch định chiến lược phát triển dựa trên nguyên tắc liên kết vùng; xây dựng hạ tầng đường sông và đường sắt kết nối các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; nâng cao dịch vụ theo hướng chuyên môn hóa, tăng sức cạnh tranh.

Trên cơ sở thực tế hoạt động của một DN có uy tín trong ngành, để phát triển và giảm giá thành dịch vụ, Giám đốc Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng - Sóng Thần Nguyễn Thành Sơn cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là tăng cường liên kết tạo nên chuỗi cung ứng hoàn hảo là yêu cầu sống còn. Trong đó, nâng cao vai trò của Hiệp hội Logistics với việc tăng cường nội lực bằng cách đầu tư phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý. Bên cạnh đó, các ngành cần hỗ trợ các DN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các định chế tài chính để đầu tư phát triển ngành cho xứng tầm.

Bà Nguyễn Thị Vui, Tổng Giám đốc TBS Logistics đánh giá dư địa phát triển của ngành logistics Bình Dương còn lớn. Thị trường tiếp tục phát triển nhờ việc mở rộng hoạt động công nghiệp, thương mại điện tử. Thêm vào đó, các dự án hạ tầng trong vùng cũng như kế hoạch đầu tư của Chính phủ nhằm phát triển hạ tầng logistics đồng bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành logistics phát triển. Việc tăng cường liên kết với các DN sẽ giúp kéo giảm chi phí logistics, trước mắt là khắc phục tình trạng container rỗng để hạ chi phí cho DN…

Triển vọng

Theo đánh giá của chuyên gia, vận tải đường thủy phát triển không chỉ góp phần giảm tải sức ép cho đường bộ, giải phóng hàng hóa cho nhà đầu tư khi đến làm ăn tại tỉnh mà còn giải quyết nhiều vấn đề khác của Bình Dương như môi trường, giảm gánh nặng hạ tầng... Chính vì thế, trong nhiều năm qua, vấn đề phát triển hệ thống đường thủy nội địa luôn là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh. Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của Bình Dương được quy hoạch, đầu tư khá tốt. Đây là một yếu tố thuận lợi để kết nối với các cảng đường sông trên địa bàn tỉnh và khu vực và với hệ thống giao thông của vùng, giao thông quốc gia.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC, hạ tầng logistics, các trung tâm logistics mà Becamex IDC đã và đang nghiên cứu thực hiện là một trong những giải pháp để kéo giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa địa phương và khu vực. Việc phát triển dự án logistics đường sông, đường sắt cùng những tiện ích khác là hướng đi mà tổng công ty đang nghiên cứu triển khai. Và trên thực tế, nếu triển khai xây dựng các cảng đường sông tại khu vực phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên và xã An Tây, TX.Bến Cát theo tính toán ban đầu chi phí logistics sẽ giảm đến gần một nửa.

Đánh giá cao về phương án này của Tổng Công ty Becamex IDC, ông Nguyễn Quang Sang, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Nam cho biết, nếu xây dựng trung tâm logistics đường sông sẽ liên kết các trung tâm logistics với các trung tâm tập kết hàng hóa đô thị trong quy hoạch các cảng cạn. Trong đó các trung tâm logistics nên được ưu tiên ở khu vực cảng cạn gần khu công nghiệp, gần trung tâm hàng hóa lớn để giảm chi phí lưu kho.

Một tin vui cho ngành logistics Bình Dương là trong tháng 8 vừa qua, tại Cảng Thạnh Phước, Công ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng đã triển khai thử nghiệm thành công 2 tuyến dịch vụ vận chuyển container nội địa bằng sà lan đến Cảng Thạnh Phước. Cụ thể, sà lan Tân Cảng 19 thực hiện tuyến từ Cảng Tân Cảng - Cát Lái đến Cảng Thạnh Phước và giao đến kho của khách hàng TAGS D.D.P. Sà lan Phước Tạo 10 vận chuyển tuyến từ Cảng Cái Mép (TCIT/CMIT) đến Cảng Thạnh Phước và giao đến kho khách hàng Thép VAS Tuệ Minh. Đây là giải pháp kết nối đã được Trung tâm Dịch vụ Tân Cảng, marketing, Vận tải thủy Tân Cảng phối hợp Cảng Thạnh Phước nghiên cứu triển khai từ 2017 hướng đến mục tiêu thu hút các DN xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các khu vực lân cận. Việc sử dụng dịch vụ vận chuyển sà lan để giảm áp lực giao thông đường bộ, giảm thiểu lượng khí thải CO2 ra môi trường theo chủ trương của Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh Bình Dương. Tuyến thử nghiệm này cũng tạo tiền đề cho việc kết nối, phát triển các cảng đường sông với các DN xếp dỡ container xuất nhập khẩu tại khu vực miền Đông Nam bộ.

 TIỂU MY