Triển vọng kinh tế và Đề án Thành phố thông minh
(BDO) Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt được bước nhảy vọt trong tăng trưởng kinh tế (tăng gấp 104 lần so với năm 1997), tạo ra một kỳ tích phát triển kinh tế tại Việt Nam. Nhằm tạo bước đột phá để phát triển thịnh vượng, bền vững, Bình Dương đang xây dựng thành phố thông minh - Vùng Đổi mới sáng tạo, đặc biệt tỉnh đang thực hiện quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với khung chiến lược quy hoạch gồm 6 trụ cột vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Mục tiêu dài hạn đưa Bình Dương trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, phát triển và giữ nhân tài khoa học, tạo nền tảng vươn tầm phát triển cho các thời kỳ tiếp theo.
Đột phá kinh tế
Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã trở thành một vùng công nghiệp lớn của cả nước với 30 khu công nghiệp, tương đương 12.734 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 83,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 7000 USD/người/năm. Cơ sở hạ tầng của Bình Dương được hoàn thiện với chất lượng cao, các khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, đan xen với những khu đô thị cao cấp phục vụ các chuyên gia và những khu nhà ở xã hội phục vụ những người có thu nhập thấp. Cách thức quy hoạch này tạo ra sự bình đẳng trong việc thụ hưởng hạ tầng xã hội, thụ hưởng hệ thống y tế, giáo dục cho mọi tầng lớp trong xã hội. Mô hình phát triển của Bình Dương trở thành một mô hình kiểu mẫu tại Việt Nam và đã được lan tỏa ra nhiều tỉnh thành trong cả nước thông qua các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh như Becamex và VSIP. Sau 25 năm, quy mô kinh tế của Bình Dương đã tăng gấp 104 lần so với năm 1997, tạo ra một kỳ tích phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới, một trong những dự án thành phần để xây dựng thành công Thành phố thông minh Bình Dương.
Vùng đổi mới sáng tạo - Kim chỉ Nam
Nhằm tạo ra những bước đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, từ năm 2016, Bình Dương đã xây dựng đề án Thành phố Thông minh với kỳ vọng xây dựng sự đồng hành giữa các thành tố trong xã hội, đặc biệt là ba nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Mỗi một thành tố sẽ đóng góp tùy theo vai trò của mình. Nhà nước thể hiện vai trò kiến tạo của mình, thúc đẩy các dự án đầu tư công, sự vào cuộc của nhà nước là lực đẩy lớn cho nhà doanh nghiệp - nhân tố chính trên mặt trận phát triển kinh tế; nhà trường – nhân tố chính trên mặt trận phát triển con người và khoa học kỹ thuật. Tất cả đều phải thể hiện bằng những đề án cụ thể, nhằm tạo ra những tác động sớm cho xã hội.
Mặt khác từ năm 2020, Bình Dương đã xây dựng đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo, đây là bước đi tiếp theo của đề án Thành phố Thông minh Bình Dương. Vùng Đổi mới Sáng tạo với mô hình 5 lớp được đúc kết từ thực tiễn xây dựng và phát triển Bình Dương, là sự cô đọng của chiến lược phát triển thông minh. Mỗi lớp đóng vài trò riêng nhưng có quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Mỗi lớp là định hướng cho một tập hợp các đề án có chủ đích nhằm giải quyết những thách thức của tỉnh theo từng chủ điểm, hòa chung lại theo 5 lớp sẽ tạo ra những tác động liên ngành, trên diện rộng, trực tiếp vào mọi mặt đời sống xã hội.
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Đồng An thực hiện nghiên cứu tại phòng Faplap.
Cụ thể, những dự án tiêu biểu trong mô hình 5 lớp được xây dựng để giải quyết trực diện những thách thức trên gồm: Thứ nhất, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Có hai yếu tố nguy cơ cần phải được giải quyết để giúp cải thiện năng suất lao động tại Bình Dương đó là phát triển nguồn nhân lực và xây dựng phương thức và phương tiện sản xuất mới, điều này được cụ thể hóa bằng các dự án cụ thể, như: Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ; đẩy mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Thành phố mới Bình Dương – Trung tâm Vùng Đổi mới Sáng tạo; xây dựng công trình Khu xưởng thực nghiệm phục vụ khởi nghiệp tại thành phố mới Bình Dương. Thứ 2, thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ với dự án khu trung tâm thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương; phê duyệt xây dựng khu thử nghiệm về thương mại điện tử xuyên biên giới. Thứ ba, giải quyết sức ép về quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông với dự án thực hiện cải tạo cảnh quan Mỹ Phước – Tân Vạn và mở rộng Quốc lộ 13, đa dạng hóa loại hình giao thông. Thứ 4, phát triển nguồn nhân lực với dự án xây dựng những trung tâm xuất sắc ngành dọc.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Mô hình 5 lớp là sự cô đọng lại, biểu diễn trên một biểu đồ nhằm biểu đạt chiến lược phát triển thông minh của Bình Dương trong giai đoạn vừa qua, nhằm định hình rõ những lớp chiến lược đã được kiểm chứng qua thực tế, khẳng định hướng đi đúng đắn của Bình Dương. Đó là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Giải pháp 5 lớp đặc biệt có tác động lớn trong việc thu hút nguồn nhân lực, mỗi lớp sẽ đóng một vai trò cụ thể trong việc thu hút nguồn nhân lực”.
Trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đã tăng cường hợp tác quốc tế. Việc 4 lần liên tiếp được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ghi nhận trong Top 21, và 2 lần liên tiếp được vinh danh trong TOP7 là một niềm vinh dự, tự hào, là thành quả xứng đáng cho những cố gắng, và sự thông minh trong việc lựa chọn chiến lược phát triển của Bình Dương những năm qua.
Hiện nay, Bình Dương đang thực hiện công tác quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khung chiến lược quy hoạch gồm 6 trụ cột vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Bản quy hoạch tích hợp này quyết định bước phát triển của Bình Dương trong những năm tiếp theo. Mục tiêu dài hạn đưa Bình Dương trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, phát triển và giữ nhân tài khoa học, tạo nền tảng vươn tầm phát triển cho các thời kỳ tiếp theo.
► Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Bình Dương đã và đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bình Dương đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng đô thị thông minh. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương để vươn lên cùng với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đã dành nhiều nguồn lực, với những cách làm sáng tạo để đầu tư nâng cấp cải thiện điều kiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, tạo nền tảng cơ bản để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm đẩy mạnh phát triển, tăng trưởng kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Tôi đánh giá cao và biểu dương những thành quả mà nhân dân tỉnh Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, tin tưởng rằng Bình Dương sẽ có thêm những phát triển kinh tế đột phá trong thời gian tới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”. ► Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương với mô hình 5 lớp đều được đưa vào Quy hoạch tỉnh Bình Dương đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tất cả nhằm phục vụ mục đích nâng cao đời sống và tinh thần của người dân và doanh nghiệp. Đây là động lực để cộng đồng người dân và doanh nghiệp hiểu rõ những định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương, và chúng ta sẽ thành công trong thời gian tới”. |
Phương Lê