Triển lãm gốm sứ tại Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010: Lời tự tình của đất

Thứ tư, ngày 08/09/2010

Tài hoa những “trường phái” gốm

Với sự tham gia của khoảng 600 gian hàng thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó riêng lĩnh vực gốm sứ, festival tụ họp được 19 làng, vùng sản xuất gốm sứ trong cả nước như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng gốm cổ Phù Lãng (Bắc Ninh), làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang), gốm Đông Triều ( Quảng Ninh)... với 160 gian hàng trưng bày trên diện tích 1.440m2. Bên cạnh trưng bày và bán các sản phẩm gốm sứ, festival gốm sứ lần đầu tiên của cả nước này còn triển lãm các bộ sưu tập gốm sứ cổ thời Đông Sơn, thời nhà Đinh, tiền Lê, Lý, Trần... Ngoài ra, còn có các hoạt động như hội thi làm gốm thủ công, trưng bày các sản phẩm gốm sứ đăng ký kỷ lục Việt Nam, triển lãm ảnh nghệ thuật về gốm sứ... Song song đó, festival còn diễn ra các hoạt động giao thương, xúc tiến đầu tư các sản phẩm gốm thủ công mỹ nghệ, hội thảo khoa học gốm sứ Việt Nam trong tiến trình hội nhập...

Có đến tham quan những gian hàng trưng bày các sản phẩm gốm sứ của các vùng, miền Việt Nam, chắc hẳn không ai không khỏi suýt xoa vì chúng quá đa dạng và quá đẹp bởi cách tạo hình, bởi màu men và đặc biệt là những hoa văn rất ấn tượng của mỗi nơi sản xuất... Từ trước đến nay thường tôi nghe nói nhiều đến gốm Lái Thiêu, gốm Tân Phước Khánh của Bình Dương hay gốm Bát Tràng ( Hà Nội), gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), gốm Biên Hòa (Đồng Nai)... nhưng cái tên gốm Chu Đậu thì nghe sao còn lạ lẫm quá. Nhưng đến đây tìm hiểu thì mới biết, làng gốm Chu Đậu (được xem là một trong những làng nghề gốm sứ cổ nhất nước ta, xuất hiện từ thế kỷ XIII - XIV) là một làng gốm sứ nổi tiếng ở làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Gốm Chu Đậu không chỉ có chất lượng đạt đến độ tinh xảo mà còn nổi tiếng khắp thế giới thông qua các cuộc bán đấu giá gốm cổ quốc tế. Cổ vật có giá trị nhất của làng gốm này là chiếc bình gốm hoa lam, dáng bình củ tỏi, cao 54cm, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Topkapi Saray (Istambun - Thổ Nhĩ Kỳ) với số tiền bảo hiểm lên tới 1 triệu USD. Gốm cổ Chu Đậu có các màu men đa dạng, trong đó độc nhất là màu Tam thái. Gốm Chu Đậu hiện đại ngày nay đã phục dựng đạt 70% gốm cổ Chu Đậu và đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đặc trưng: sáng như gương, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông...

Triển lãm còn có sự tham gia của gian hàng gốm Phước Tích, một “trường phái” gốm có nguồn nguyên liệu rất khác lạ: màu sắc của đất làm gốm là màu sắc tự nhiên, không cần pha chế thêm màu. Đất sau khi đem về, được cho vào bể đánh tan ra với nước, rồi lọc, lắng, đem phơi khô... Sau đó mới được nhào, nặn hình sản phẩm và tùy theo sản phẩm mà trang trí hoa văn. Sau đó đem nung sản phẩm, nếu nung theo lò truyền thống thì mất khoảng 4 ngày, sau đó chờ thêm 20 ngày khi lò nguội mới lấy được sản phẩm... Còn làng gốm Bàu Trúc (thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) có lẽ là làng gốm duy nhất ở Việt Nam mà người thợ chỉ dùng bàn tay để cho ra đời những sản phẩm đất nung độc đáo. Sau khi tạo dáng, gốm thô được đem ra phơi nắng 4 - 6 giờ rồi dùng mảnh sành hoặc cật tre làm láng. Mỗi gia đình sản xuất gốm mộc trong thời gian 5 - 10 ngày mới đưa ra nung chín (bằng cách đốt lộ thiên). Thời gian đốt khoảng 4 - 5 giờ là gốm chín có sắc đỏ tươi nguyên của màu đất được tôi luyện qua lửa... Các nghệ nhân làng gốm này có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm theo nhu cầu thị trường và theo đơn đặt hàng từ tượng nữ thần Apsara, phù điêu trang trí nội thất... đến các vật dụng gốm cần thiết cho đời sống thường ngày...

  Chén ngọc Văn Lang- sản phẩm độc đáo của Công ty TNHH Minh Long I

Độc đáo gốm sứ Bình Dương

“Làng” gốm sứ chủ nhà Bình Dương tham gia festival với những sản phẩm phong phú, độc đáo đến từ 17 thành viên của Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương như Công ty TNHH Minh Long I, Công ty Cường Phát, Công ty Đông Wha, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Việt, Công ty Gốm sứ Minh Cường, Công ty Tân Toàn Phát, Công ty Phú Đức, Công ty TNHH Phước Dũ Long... Trên diện tích trưng bày khoảng 2.000m2, với sự huy động những sản phẩm gốm sứ tinh xảo, sang trọng và hình thức trưng bày bắt mắt, gốm sứ Bình Dương đã thật sự tạo điểm nhấn cho triển lãm nên thu hút được nhiều du khách và khách hàng đến tham quan tìm hiểu thông tin và mua sản phẩm. Ngoài những sản phẩm dự triển lãm, các thành viên của Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương còn giới thiệu cho du khách thưởng lãm những sản phẩm độc đáo lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình hội chợ, triển lãm của festival. Đặc biệt nhất phải kể đến 3 sản phẩm đăng ký kỷ lục Guinees của Công ty TNHH Minh Long I là Chén ngọc Văn Lang, cúp Sen Vàng và cúp Hồn Việt mà theo chủ nhân của nó - ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I thì các tác phẩm này “được thực hiện bởi 22 nghệ nhân, làm việc miệt mài liên tục trong thời gian từ 4 - 5 năm mới hoàn thiện 3 tác phẩm mang tính kỷ lục với những tiêu chí đặc biệt như: tác phẩm to lớn nhất từ trước đến nay; tác phẩm văn hóa nghệ thuật với những hình ảnh đẹp, đặc trưng, sang trọng nhất; tác phẩm được nung hoàn nguyên liền khối không bắt ốc, dán keo; tác phẩm thuộc dạng tạo hình khó nhất với những con linh vật chầu độc đáo và ở tư thế đẹp nhất”.

Bên cạnh đó, Công ty Cường Phát cũng có những sản phẩm như bình gốm núi lửa, dạng men nổ, nung xúc tác ra vân mạnh hơn tạo cấu trúc lạ hay các sản phẩm mang tên Mẫu tử, Lá sen, Dáng sen... có đặc tính men đồng trổ (còn gọi là men ta), Quốc Bình Thăng Long được trang trí bằng hoa văn trống đồng cũng của công ty này được thực hiện nhân dịp hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Rồi là bộ sản phẩm nồi đất mới có đặc tính chịu shock nhiệt tốt, có thể sử dụng trong lò viba cũng như dùng với bếp từ mà không ảnh hưởng đến chất lượng, hay những sản phẩm từ sự kết hợp tinh tế giữa mây và gốm của Công ty Hoàng Việt cùng với nhiều tác phẩm vừa chứa đựng yếu tố lịch sử, vừa mang tính nghệ thuật đặc sắc của các đơn vị như Gốm sứ Minh Cường, Doanh nghiệp Phú Đức... cũng ra mắt trong dịp này.

Lời tự tình của đất

  Gốm hiện đại ceramic tại triển lãm

Ai cũng hiểu con người được sinh ra từ đất và khi già yếu bệnh tật qua đời cũng trở về với đất - đó là quy luật của tạo hóa, quy luật đối với cuộc đời của mỗi con người mà không ai là không trải qua, không tránh khỏi. Nhưng điều đáng nói là trong cuộc đời của mỗi con người đất đã dang rộng vòng tay ôm ấp, chở che chúng ta, là mạch nguồn cuộc sống... Từ đất con người có cái chén ăn cơm, cái lu chứa nước, bộ tách trà để bạn bè đối ẩm, những chung rượu gắn kết nghĩa tình chồng vợ, những bình hoa xinh xắn đem lại vẻ đẹp thanh thoát cho đời hay những chú heo con để dành tích góp, rồi đến những sản phẩm làm đẹp cho gia đình hoặc phục vụ những nhu cầu cần thiết trong đời sống hàng ngày của mỗi con người... Vậy đấy, đất đã gắn kết chặt chẽ với đời sống con người từ xa xưa cho đến ngày nay...

Đến Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 chúng ta sẽ cảm thấy trân trọng biết bao những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những người thợ điêu luyện của nghề gốm sứ trong cả nước, bởi chính họ là những người đã thay đất nói những lời tự tình đầy yêu thương với con người... Và đến để thấy rằng gốm sứ là một trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ phản ảnh một cách rõ nét nhất những tinh hoa văn hóa của mỗi vùng miền, mỗi sản phẩm gốm sứ ra đời chính là sự kết tinh từ “tinh hoa của đất, tinh xảo từ người” và cái hồn của dân tộc Việt. Và mặc dù vẫn còn những sơ suất, có lẽ do lần đầu tiên tổ chức nhưng festival lần này được xem là một sự kiện kinh tế - văn hóa - lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tôn vinh những giá trị đặc sắc của gốm sứ Việt Nam, đồng thời khẳng định tiềm năng và định hướng phát triển ngành nghề trong thời gian tới cũng như hướng đến đẩy mạnh xu hướng phát triển du lịch - làng nghề trên lĩnh vực gốm sứ trong cả nước...           

VÕ HƯƠNG