Triển khai, thực hiện thống kê lập danh sách hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế tại Bình Dương
(BDO) Công tác thống kê lập danh sách hộ gia đình (HGĐ) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) từ Trung ương đến địa phương đã và đang triển khai thực hiện, không phải là chủ trương của ngành bảo hiểm xãhội (BHXH) mà là thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Xoay quanh vấn đề này, Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bà Lê Minh Lý (ảnh), Phó Giám đốc BHXH Bình Dương.
- Thưa bà, mục đích, ý nghĩa của việc thống kê lập danh sách HGĐ tham gia BHYT là gì?
- Mục đích của việc thống kê, lập danh sách HGĐ là nhằm xác định toàn bộ thành viên trong sổ hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú đã, đang và chưa tham gia BHYT, trừ người khai báo tạm vắng nhưng chưa được cấp thẻ. Đây là việc làm hết sức quan trọng và có ý nghĩa tạo điều kiện thuận lợi để UBND cấp xã lập danh sách HGĐ người tham gia BHYT trên địa bàn. Đồng thời, để cơ quan BHXH nắm chính xác người dân có thẻ và chưa có thẻ BHYT sau gần 25 năm triển khai thực hiện; đây cũng là cơ sở quản lý người có thẻ BHYT để tránh trùng lắp.
Việc thống kê, lập danh sách HGĐ, nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe y tế; là cơ sở để triển khai các giải pháp thực hiện bao phủ BHYT toàn dân, theo tinh thần Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị. Đây cũng là tiền đề cho việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật; nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân gắn với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng với quy mô, khối lượng công việc gần như là một cuộc điều tra dân số. Do đó, để hoàn thành công việc này, ngoài sự nỗ lực của ngành BHXH thì đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, địa phương Trung ương đến cơ sở (khu phố, tổ dân phố, thôn, ấp…) và đặc biệt là sự thông hiểu, hợp tác tích cực của từng người dân.
- Kế hoạch thống kê lập danh sách HGĐ tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến nay như thế nào? Có thuận lợi và khó khăn gì, thưa bà?
- BHXH tỉnh Bình Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh, huyện, xã. BHXH tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực, tổ chức tập huấn cho cán bộ xã, trưởng khu, ấp, tổ, thôn… bố trí kinh phí thực hiện; tiếp nhận phần mềm, phối hợp với Bưu điện tỉnh cập nhật dữ liệu; đôn đốc, kiểm tra việc lập danh sách bảo đảm thời gian và chất lượng quy định.
Đặc biệt, ngay sau hội nghị trực tuyến ngày 7-3-2016, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn chỉ đạo UBND huyện, xã và các ngành liên quan tiếp tục công tác thống kê lập danh sách theo HGĐ. BHXH tỉnh phân công cán bộ phụ trách từng huyện, xã tiếp tục thống kê lập danh sách và rà soát dữ liệu; đến 31-3-2016 hoàn thành.
Được sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, kịp thời từ Trung ương (CP) đến địa phương, đặc biệt là UBND các cấp và các ban, ngành liên quan đã tích cực ủng hộ triển khai, thực hiện. Sự phối hợp chặt chẽ của Ban chỉ đạo các cấp; các cơ quan thông tin truyền thông; sự phối hợp tích cực của các trưởng khu phố (ấp), tổ, thôn… trong triển khai và tổ chức thực hiện… Tuy nhiên với quy mô, khối lượng công việc quá lớn, là lần đầu triển khai thực hiện nên đã gặp không ít khó khăn như Bình Dương là tỉnh công nghiệp, dân nhập cư chiếm tỷ lệ cao, người dân sống tạm trú với số lượng lớn và thường xuyên biến động, người lao động đi làm ca với thời gian không ổn định, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong việc thống kê lập danh sách HGĐ. Mặc dù được tập huấn, hướng dẫn nhưng việc kê khai theo mẫu vẫn chưa đạt yêu cầu: Ghi thông tin không đầy đủ, chính xác. Dẫn đến việc cập nhật trên phần mềm quản lý thiếu thông tin phải rà soát, trả về, làm mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ…
- Thưa bà, HGĐ là đối tượng chính trong đợt thống kê này. Vậy bà có thể cho biết các HGĐ cần có những sự phối kết hợp như thế nào để công tác thống kê này được thuận lợi?
- Trước hết, chủ hộ hoặc thành viên đại diện HGĐ phải thông hiểu được mục đích, ý nghĩa của công tác thống kê lập danh sách HGĐ tham gia BHYT, để họ vui vẻ và có trách nhiệm tích cực hợp tác, cung cấp thông tin như: Sổ hộ khẩu (thường trú và tạm trú), thẻ BHYT còn giá trị sử dụng, số CMND… để trưởng khu (ấp)/tổ trưởng (trưởng thôn) hoặc cán bộ BHXH ghi chép vào mẫu biểu. Hoặc hộ gia đình có nhận mẫu, điền đầy đủ các thông tin theo hướng dẫn và trưởng khu (ấp)/tổ trưởng (trưởng thôn) hoặc cán bộ cơ quan BHXH hẹn thời gian quay lại lấy.
- Xin cảm ơn bà!
T.LÝ (thực hiện)