Triển khai quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị về công tác cán bộ
(BDO)
Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại buổi làm việc.
Chiều 24/7, Đoàn kiểm tra số 885 của Bộ Chính trị đã triển khai Quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị đối với Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng.
Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, Trưởng Đoàn kiểm tra chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cùng các đồng chí trong Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng; thành viên Đoàn Kiểm tra 885 của Bộ Chính trị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra Hoàng Văn Trà công bố Quyết định 885-QĐNS/TW, ngày 07/6/2023 của Bộ Chính trị về việc thành lập Đoàn Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng, Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn Kiểm tra có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra theo Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; báo cáo kết quả kiểm tra theo quyết định, trình Bộ Chính trị (qua Ủy ban kiểm tra Trung ương) trong quý 4/2023. Theo dự kiến, Đoàn tiến hành kiểm tra tại Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng từ ngày 24/7-31/10.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Đối với công tác cán bộ, phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong tiêu chuẩn về cán bộ, bên cạnh bản lĩnh chính trị, đạo đức, phải quan tâm đến những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung, thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các bài phát biểu đã nhiều lần nhấn mạnh: "Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị."
Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đã xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm. Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp uỷ, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu...
Chính vì vậy, ngành xây dựng cần phải thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó lưu ý thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Ngành tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.
Ngành xây dựng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đề nghị qua cuộc kiểm tra lần này, từ thực tiễn đặc thù của Bộ Xây dựng, phản ánh những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất với Trung ương các giải pháp phù hợp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết, thực sự đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng và các đơn vị được kiểm tra phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện, cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu; chủ động bố trí thời gian làm việc thích hợp để Đoàn Kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thay mặt Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thống nhất cao với kế hoạch kiểm tra, lịch trình làm việc của Đoàn kiểm tra. Đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan bám sát đề cương báo cáo, phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra, thực hiện trung thực, đầy đủ các nội dung được kiểm tra./.
Theo TTXVN