Triển khai, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Những vấn đề quan trọng sẽ được thực thi trong thời gian tới
Ngày 1-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Trong thời gian 1 ngày, hội nghị đã được nghe ông Nguyễn Tiến Hoàng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt các nội dung Kết luận, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5.
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là vấn đề đặc biệt quan trọng
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hoàng nhấn mạnh: Đến nay, qua 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 có nhiều vấn đề mới được đặt ra, có những quy định của Hiến pháp không còn phù hợp, đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết. Đây là công việc đặc biệt quan trọng, nhạy cảm, phải có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử, có cách làm khoa học, thận trọng, tránh xa rời thực tiễn; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992, đồng thời phải tiến hành chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cán bộ chủ chốt của tỉnh tham dự hội nghị
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cần tập trung vào các nội dung, định hướng quan trọng là tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh các lực lượng xã hội, phát triển đất nước; khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tiếp tục phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ; bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; bảo đảm hiệu lực, tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.
Chính sách pháp luật về đất đai
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn còn một số hạn chế, yếu kém nhất là quy hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính về đất đai; quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Vì vậy, trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai thời gian tới cần tiếp tục kế thừa những quan điểm chỉ đạo về chính sách, pháp luật đất đai của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX), đồng thời có bổ sung và phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu mới đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.
Kiên trì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Từ nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng nhiệm vụ này, đã sớm ban hành nghị quyết của Trung ương, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng cùng nhiều quyết sách, biện pháp khác. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) nói riêng trong những năm qua vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác tổ chức, cán bộ; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội; HĐND, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận.
Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Không thành lập ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng. Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, thực hiện chức năng một ban đảng và là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; lập ban nội chính ở các tỉnh ủy, thành ủy, giao Bộ Chính trị quyết định cụ thể.
Chính sách xã hội và tiền lương
Về định hướng chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, căn cứ tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, xác định những định hướng chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình chính sách, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.
Nghị quyết cũng xác định nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chính sách xã hội gồm 3 cụm vấn đề: chính sách ưu đãi người có công; bảo đảm an sinh xã hội; giải pháp chung và nguồn lực thực hiện.
Về chính sách tiền lương, ưu tiên điều chỉnh tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gắn với việc khắc phục tình trạng quá nhiều loại phụ cấp; soát xét lại chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp Nhà nước, khắc phục tình trạng bất hợp lý, chênh lệch quá lớn giữa cán bộ quản lý và người lao động; tiền lương, thu nhập không gắn với kết quả sản xuất, kinh doanh. Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cùng với mức tăng và thời điểm điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức... Trong định hướng cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020 cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013-2020 cùng với các đề án có liên quan, tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn, bảo đảm cho cải cách tiền lương thu được kết quả.
NHÓM PV CHÍNH TRỊ