Triển khai khám bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y
(BDO)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai trương Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. (Nguồn: TTXVN)
Dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để thúc đẩy các lĩnh vực số phát triển, trong đó có lĩnh vực y tế số.
Mới đây, ngày 18/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế đã khai trương Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19.
Triển khai Hệ thống khám chữa bệnh từ xa
Từ nhiều năm nay, ngành y tế đã triển khai một số hoạt động khám bệnh từ xa, phẫu thuật từ xa, bệnh án điện tử.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, thực tiễn đòi hỏi các bệnh viện phải có thêm kênh khám bệnh từ xa nhiều hơn nữa, phổ cập hơn nữa để tư vấn khám chữa bệnh, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém và an toàn, nhất là không cần phải đến bệnh viện khi không cần thiết, giúp giảm tải cho bệnh viện, tránh lây bệnh.
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã khai trương Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa do Viettel phối hợp Bệnh viện Đại học Y và các bệnh viện vệ tinh triển khai thí điểm.
Hệ thống do Viettel đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa mà Bộ Y tế ban hành, gồm: tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Hệ thống cũng được tích hợp các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới nhưng phù hợp với điều kiện và trực trạng chung của ngành y tế vào một nền tảng chung. Điều này giúp triển khai đồng loạt Hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng nghìn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu.
Tại buổi khai trương, các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã sử dụng Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa để kết nối với Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai, hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mãn tính cần đi khám.
Bệnh viện Đại học Y cũng kết nối trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh hội chẩn CT từ xa đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp.
Các bác sỹ Đại học Y Hà Nội cũng đã khám bệnh trực tuyến cho một bệnh nhân ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, gồm cả nội soi tai mũi họng, điện tim trực tuyến...
Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, hệ thống khám chữa bệnh từ xa sẽ thực sự phát huy hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân mà vẫn đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội, đặc biệt là đối với bệnh nhân cao tuổi, khó khăn trong việc di chuyển, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước.
Về lâu dài, hệ thống khám chữa bệnh từ xa sẽ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Các bệnh viện khi triển khai thêm kênh khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên, qua đó, giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.
Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, nền tảng sẽ còn phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Các bác sỹ trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở tại Việt Nam.
Ứng dụng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2
Bên cạnh khai trương Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế cũng ra mắt ứng dụng Bluezone. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy).
Khi các điện thoại thông minh cùng cài ứng dụng Bluezone thì chúng tự phát hiện nhau trong khoảng cách 2 m và tự ghi nhớ. Nếu người cài ứng dụng dương tính với SARS-CoV-2 (tức là F0) thì khi đó, qua dữ liệu được lưu lại, cơ quan y tế có thể xác định được các F1 (có tiếp xúc gần với F0) và hệ thống sẽ cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Điều đáng nói là ứng dụng Bluezone có tính bảo mật, ẩn danh và minh bạch, ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên điện thoại của người dùng, không chuyển lên hệ thống cũng như không thu thập vị trí của người dùng.
Mọi người tham gia cộng đồng Bluezone đểu ẩn danh với những người khác. Chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới biết những người nhiễm và người nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19.
Với ứng dụng Bluezone, mỗi người dân có thể cài ứng dụng này trên điện thoại, nhằm bảo vệ mình và cộng đồng, góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus.
Theo tính toán, chỉ trong khoảng 3 tuần, hầu hết người dùng smartphone sẽ được cài đặt Bluezone và được hệ thống bảo vệ.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định khi đã có một cộng đồng như vậy, mọi người đều được bảo vệ, ngay cả đối với những người không dùng ứng dụng.
Trong một vài ngày tới, sau khi App Store và Google Play đưa Bluezone lên hệ thống, mọi người có thể cài đặt ứng dụng này. Hiện tại, những ai muốn trài nghiệm ngay vẫn cỏ thể tải ứng dụng về thông qua chương trình mời sử dụng tại website bluezone.vn.
Từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên công nghệ số
Phát biểu tại Lễ khai trương nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng phòng chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nền tảng khám chữa bệnh từ xa và nhấn mạnh, đây là dấu mốc khởi đầu để hướng tới chuyển đổi số của ngành y tế và hướng tới mục tiêu lớn hơn là quốc gia số, quốc gia thông minh.
Chứng kiến các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y tư vấn, hội chẩn, khám cho các bệnh nhân từ xa, Thủ tướng cho rằng đây là biện pháp rất hiệu quả, bệnh viện tuyến trên có thể dễ dàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới.
Thủ tướng cũng đánh giá cao ứng dụng Bluezone, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là xu hướng mà các nước tiến bộ trên thế giới áp dụng.
Nhấn mạnh việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến từ xa thì hiệu quả nhân đôi, nhân ba: đáp ứng được yêu cầu chống dịch, bảo đảm công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm lượng giấy tờ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế phối hợp đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Các bác sỹ hội chẩn trực tuyến. (Nguồn: Bệnh viện Việt Đức)
Đơn vị chức năng xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh; phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh; hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, phối hợp xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Thủ tướng đề nghị Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp tục quyết liệt triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, liên tục đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia để ký ban hành trong tháng 4/2020. Đây là vấn đề quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong mọi mặt xã hội.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần chỉ đạo, hiệu triệu doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không ngừng sáng tạo, phát triển nhiều nền tảng chuyển đổi số hơn nữa, phát triển nhiều ứng dụng hơn nữa phục vụ nhân dân./.
Theo TTXVN