Triển khai dịch vụ công chứng, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính: Thúc đẩy số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính

Thứ năm, ngày 17/02/2022

(BDO)  Vào cuối năm 2021, UBND tỉnh đã triển khai dịch vụ công chứng, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là một bước tiến mới, là bước đi tiên phong về giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giao dịch hành chính.

 Việc triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính thúc đẩy số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Trong ảnh: Cán bộ tư pháp TP.Dĩ An hướng dẫn người dân mở tài khoản dịch vụ công tại bộ phận một cửa của thành phố

 Nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2020, toàn ngành đã chứng thực trên 95,4 triệu bản sao (riêng tỉnh Bình Dương chứng thực khoảng 1,7 triệu bản sao). Nếu người dân làm hồ sơ điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) mà vẫn nộp bản sao chứng thực hoặc xuất trình bản giấy thì thật sự “không ổn” khi mất chi phí thời gian, chi phí xã hội. Nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm được là 428,4 tỷ đồng/năm. Chính vì vậy Chính phủ đã đồng ý triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG.

Xuất phát từ những thực tế trên, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG bảo đảm phù hợp tình hình hiện nay. Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: “Việc triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính nhằm thực hiện hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG tại 100% cấp huyện, cấp xã theo yêu cầu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1- 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, từ đó thúc đẩy số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cấp các dịch công trực tuyến lên mức độ 4”.

Cũng theo bà Hoa, lộ trình triển khai được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện khẩn trương với 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là từ tháng 11-2021 chuẩn bị các điều kiện cần thiết và thực hiện thử nghiệm triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Từ ngày 1-1-2022 chính thức thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

Giai đoạn 2 dự kiến cuối năm 2022 sẽ triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại các tổ chức hành nghề công chứng sau khi có hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Những tiện ích mang lại

Nói về lợi ích của công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, ông Lý Thanh Thoại, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp, cho biết: “Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử, hạn chế tối đa việc nộp bản sao chứng thực hay xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như hiện nay. Bản sao điện tử được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và được sử dụng lại nhiều lần.

Đối với các cơ quan, tiện ích đem lại là toàn bộ quy trình chứng thực bản sao điện tử từ bản chính được thực hiện trên hệ thống Cổng DVCQG, bảo đảm bản sao điện tử được cấp ra có đầy đủ các thông tin theo quy định. Cán bộ, công chức tiếp nhận bản sao điện tử có thể dễ dàng kiểm tra tính toàn vẹn, chính xác để giải quyết cho thủ tục tiếp theo”.

Cũng theo ông Thoại, ngoài những lợi ích trên, việc triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính còn nhằm phát huy, thực hiện tốt chức năng phục vụ của cơ quan Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp; giúp các đơn vị, địa phương và lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

Khi triển khai dịch vụ này trên Cổng DVCQG, đối với người dân, doanh nghiệp, dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn với người dân, doanh nghiệp đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục. “Mặt khác, về vấn đề bảo mật, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ cung cấp dịch vụ kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số, bảo đảm tính an toàn, toàn vẹn của bản sao điện tử đã cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đối với việc triển khai chữ ký số trên dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, khi đăng nhập hệ thống, cán bộ công chức thực hiện trên hệ thống này có thể sử dụng chứng thư số để đăng nhập, đây là một biện pháp quản lý để hạn chế truy cập trái phép vào hệ thống. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng dự thảo để công bố dịch vụ ký số, chứng thực bản sao trên Cổng DVCQG”, bà Nguyễn Anh Hoa cho biết thêm.

Nhằm bảo đảm lộ trình 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG một cách đồng bộ, thực chất, bắt đầu từ ngày 1-1-2022, UBND cấp huyện và cấp xã thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Thường xuyên tổ chức rà soát, bảo đảm điều kiện về trang thiết bị; chấn chỉnh và tăng cường công tác tiếp nhận, quản lý và sử dụng chứng thư số chuyên dùng theo đúng hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao một số đơn vị phối hợp thực hiện, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quy trình nghiệp vụ liên quan đến dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác truyền thông nội dung này đến người dân, doanh nghiệp cũng như rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

 TÂM TRANG