Triển khai cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
(BDO) Trong giai đoạn 2011- 2021, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy DN khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp, ứng dụng các nghiên cứu khoa học công nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Trong ảnh: Mô hình trồng bưởi da xanh theo quy trình VietGAP của Hợp tác xã cây ăn quả Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh)
Tạo điều kiện cho DN
Thực hiện các chính sách, giải pháp tạo điều kiện cho DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất chất lượng sản phẩm và dịch vụ, Sở KH&CN đã triển khai và giới thiệu Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2011-2020; thực hiện chứng nhận DN KH&CN cho các DN đủ điều kiện theo quy định. Hiện nay toàn tỉnh có 4 DN KH&CN đang hoạt động gồm Công ty TNHH Minh Long I, Công ty TNHH Thiên Dược, Công ty TNHH Kỹ nghệ Nhiệt và Môi trường CAXE, Công ty TNHH Gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương. Đây là những DN đi đầu trong việc đổi mới sáng tạo, không ngừng thực hiện các nghiên cứu ứng dụng tạo ra sản phẩm mới có giá trị và đưa vào thương mại hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông NGUYỄN VIỆT LONG, Quyền Giám đốc Sở KH&CN: “Thực hiện Nghị quyết số 09- NQ/TW của Bộ Chính trị, Sở KH&CN đã đẩy mạnh tuyên truyền như tổ chức hội nghị học tập quán triệt, chỉ đạo của các cấp ủy, đoàn thể triển khai thực hiện, đồng thời phổ biến và hướng dẫn công chức, viên chức cũng như cộng đồng DN trên các phương tiện thông tin đại chúng về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, khuyến khích phát triển DN, phát huy vai trò của doanh nhân. Sở cũng đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực KH&CN, thực hiện các chính sách khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DN, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh”. |
Ông Nguyễn Việt Long, Quyền Giám đốc Sở KH&CN, cho biết hiện nay, Bình Dương đang tập trung phát triển theo định hướng thành phố thông minh trên cơ sở hội nhập quốc tế, lấy KH&CN là yếu tố cốt lõi, chú trọng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. “Thực hiện tốt việc này sẽ góp phần phát triển được đội ngũ doanh nhân mới, giúp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, DN khởi nghiệp nói chung. Về mặt chính sách, Sở KH&CN tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như nghị quyết về Quỹ đầu tư phát triển tỉnh thực hiện đầu tư vào DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; quy định chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025; Đề án “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”...
Hiệu quả từ các đề tài
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giai đoạn 2011- 2021, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt nhiều đề tài, dự án phục vụ cho nhu cầu của DN thông qua Chương trình hỗ trợ DN đầu tư vào hoạt động KH&CN. Kết quả đã hỗ trợ 7 DN thực hiện 7 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Bên cạnh Chương trình hỗ trợ DN đầu tư vào hoạt động KH&CN, sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu hướng đến đối tượng là DN thông qua việc xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN. Nhiều đề tài, dự án mang lại hiệu quả cao cho DN ở các lĩnh vực.
Cụ thể, trong ngành sản xuất gốm sứ, điển hình là mô hình nghiên cứu cải tiến công nghệ lò gas nung nhằm tiết kiệm nhiên liệu, thời gian và nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm, thấy được hiệu quả từ việc nghiên cứu. Đến nay mô hình đã phát triển rộng rãi trên địa bàn tỉnh, nhiều DN sản xuất gốm sứ đã ứng dụng công nghệ này. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, điển hình là các đề tài như nghiên cứu phương án tải sử dụng bùn thải từ hệ thống xử lý nước, nước thải và xỉ thải. Đề tài đã xây dựng quy trình sản xuất vật liệu xây dựng từ bùn công nghiệp và xỉ thải để sản xuất gạch block, gạch con sâu, làm bê tông, làm gạch nung, vật liệu san lấp. Các sản phẩm đã được bán ra và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Đề tài Điều tra hiện trạng, đề xuất các biện pháp quản lý và công nghệ nhằm đẩy mạnh tuần hoàn, tái sử dụng nước tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề tài Nghiên cứu đề xuất công cụ phục vụ kiểm toán nhanh năng lượng lồng ghép đánh giá tiềm năng sản xuất sạch hơn cho một số ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh Bình Dương.
Trong lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn đã có các đề tài, dự án điển hình hướng đến đối tượng là DN. Dự án Ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất các chủng loại phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi của tỉnh Bình Dương thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Bộ KH&CN hỗ trợ kinh phí thực hiện. Dự án Xây dựng mô hình sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm cam sành và bưởi da xanh tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và phát triển một số sản phẩm ứng dụng từ tinh dầu. Nghiên cứu xây dựng quy trình tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho một số cây ăn quả chủ lực (bưởi, cam, quýt) trên địa bàn tỉnh Bình Dương)... Trong ngành sản xuất gỗ điển hình là dự án Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gỗ ở Bình Dương và các đề tài, dự án khác hướng đến đối tượng là DN ở các lĩnh vực.
Năm 2021, với mục tiêu nhằm thu hút nguồn lực từ khối DN tham gia đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nhà nói chung và DN trên địa bàn nói riêng trong chuỗi giá trị toàn cầu, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/ CT-UBND ngày 24-5-2021 về việc khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KH&CN của DN. Ông Nguyễn Việt Long cho biết: “Những năm qua, Sở KH&CN phối hợp các sở, ngành tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương. Thường xuyên tổ chức hỗ trợ DN trong công tác bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật các văn bản về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng thông qua các phương tiện truyền thông và các lớp tập huấn theo chuyên đề định kỳ”.
Hàng năm Sở KH&CN mở từ 2 đến 4 lớp tập huấn (mỗi lớp từ 40 đến 60 DN). Tổ chức tư vấn, hướng dẫn xác lập quyền các đối tượng sở hữu công nghiệp, trung bình 80 đến 100 DN/năm. Hỗ trợ các chủ sở hữu về thủ tục yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, bình quân 5 đến 7 vụ/năm. Thẩm định và hỗ trợ chi phí xác lập quyền cho 521 DN”. Trên địa bàn có những DN tự đầu tư kinh phí nghiên cứu các đề tài khoa học phục vụ cho DN như Công ty TNHH Minh Long I nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất gốm sứ cao cấp đạt tiêu chuẩn châu Âu bằng phương pháp đốt một lần lửa; Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa nghiên cứu chuyển đổi nhiên liệu sử dụng hệ thống cấp nhiệt cho lò sấy mủ cao su bằng nhiên liệu Biomass tại nhà máy chế biến mủ cao su Cua Paris và đề tài nghiên cứu cải tạo quy trình công nghệ và thiết bị chế biến cao su SVR10 từ nguyên liệu mủ nước... Sở KH&CN đã tổ chức họp Hội đồng khoa học để công nhận kết quả thực hiện đề tài của các DN (đề tài không sử dụng ngân sách Nhà nước), là cơ sở để thành lập DN KH&CN. |
PHƯƠNG LÊ