Triển khai bán hàng bình ổn giá: Cân đối cung cầu, lành mạnh hóa thị trường!

Thứ bảy, ngày 04/12/2010

Phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, Tổ điều hành ổn định thị trường tỉnh Bình Dương đã triển khai kế hoạch bình ổn dự trữ hàng hóa với tổng trị giá trên 227,5 tỷ đồng. Tổng cộng có 55 điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ người dân toàn tỉnh.

Mạng lưới bán hàng trải khắp tỉnh

Để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Tổ điều hành ổn định thị trường tỉnh đã triển khai kế hoạch bình ổn thông qua 4 doanh nghiệp đó là hệ thống Siêu thị Vinatex Bình Dương, Citimart Bình Dương, DNTN TMDV Hải Long, Công ty TNHH TMDV Sài Gòn - Bình Dương (Co-op Mart), thực hiện dự trữ hàng hóa với tổng trị giá 227,5 tỷ  đồng. Các nhóm hàng gồm lương thực: 7,158 tỷ đồng (gạo, nếp các loại); thực phẩm tươi sống, đông lạnh: 58,752 tỷ đồng (trong đó: thịt heo: 125 tấn; thịt bò: 30 tấn; thịt gia cầm (gà chủ yếu): 57 tấn; trứng gia cầm: 100.000 quả); thực phẩm công nghệ: 86,699 tỷ đồng; thực phẩm chế biến: 13,4705 tỷ đồng; nước giải khát: 26,460 tỷ đồng; hàng dệt may 30 tỷ đồng và nhóm hàng thiết yếu khác (các mặt hàng dự phòng): 5 tỷ đồng.

Quầy hàng bán với giá bình ổn tại Citimart Bình Dương

Ngoài việc bán hàng giá bình ổn tại 15 điểm ở các siêu thị, các doanh nghiệp này còn triển khai 40 điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ người dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Điền cho biết, dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão sẽ tăng khoảng 30% so với năm trước. Vì vậy, việc tăng cường các điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ người dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa năm nay rất quan trọng, sẽ giảm áp lực người dân tập trung về các chợ trung tâm mua sắm hàng hóa tết cũng như sẽ góp phần giảm áp lực tăng giá ở các chợ truyền thống này. 

Giá thấp hơn thị trường 10%

Theo hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh, từ cuối tháng 8 đến nay, giá bắt đầu tăng đột biến và hoàn toàn bất ngờ (khi nhập hàng về, mới biết giá tăng). Đầu tháng 9, hơn 300 mặt hàng tiêu dùng thuộc nhóm thực phẩm đồ hộp, bánh kẹo, dầu ăn, hàng may mặc cùng hàng gia dụng tăng giá ở mức 3 - 12%, nhiều mặt hàng nhập khẩu có mức tăng nhảy vọt đến trên 20%. Nguyên nhân tăng giá là do tỷ giá VND/USD; giá vàng biến động mạnh, làm nguyên liệu đầu vào, bao bì... tất cả đều tăng. Đặc biệt, trong tháng 10, 11, các siêu thị liên tục nhận được nhiều thông báo tăng giá của các nhà cung cấp và một số nhóm hàng giá còn tăng vào tháng 12 này. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cho biết, công tác chuẩn bị nguồn hàng khá ổn định, có thể nói hàng hóa rất dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường tết năm nay.

Bà Nguyễn Thị Điền cho biết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã cam kết luôn giữ giá bán ổn định trong thời gian thực hiện chương trình và có giá bán luôn thấp hơn thị trường 10%. Khi thị trường có biến động cung cầu, giá trên thị trường giảm thì giảm theo, nhưng ngược lại khi thị trường tăng giá thì tuyệt đối không được tăng giá thêm. Ngoài ra, các điểm bán hàng bình ổn giá bắt buộc phải ghi rõ mặt hàng nào được bán giá bình ổn, tránh tình trạng mập mờ, gây nhầm lẫn trong việc treo bảng bán hàng bình ổn giá nhưng giá bán lại cao hơn bình thường như phản ánh trên báo chí trong thời gian qua. Bà Điền cho biết thêm, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây khan hiếm giả tạo.

TRÚC HUỲNH