Triển khai 4 giải pháp trọng tâm ứng phó với biến chủng Omicron
(BDO) Trước thực tế một số tỉnh, thành đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron, Bình Dương nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó. Trước mắt tỉnh đang rà soát các trường hợp người nhập cảnh về Bình Dương để lấy mẫu xét nghiệm giải trình tự gen và củng cố hệ thống điều trị tại các cơ sở y tế.
Lực lượng y tế tiêm vắc xin mũi 3 lưu động cho người lao động tại TX.Bến Cát
Củng cố hệ thống điều trị
Trước đây, khi biến chủng Delta lây lan vào địa phương, lượng bệnh nhân tăng đột biến khiến hệ thống y tế của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch và khám, chữa bệnh cho người dân. Từ kinh nghiệm chống dịch thời gian qua, trước biến thể mới Omicron vừa xuất hiện, hệ thống y tế tỉnh vẫn đang tiếp tục nỗ lực để bảo vệ sức khỏe người dân.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết: “Omicron có thể là một biến thể kết thúc cơn “đại hồng thủy” Covid-19. Thường trước khi biến mất, các đợt sóng cuối cùng có thể để lại những hậu quả tang thương nặng nề. Omicron không gây tăng nặng bệnh nhưng nhiều nghiên cứu dịch tễ cho thấy với tốc độ lây lan kinh hoàng, Omicron sẽ làm quá tải hệ thống y tế nếu không có cách tổ chức bài bản khoa học. Ngay tại Anh, Omicron đã làm lây nhiễm số lượng lớn nhân viên y tế khiến thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Các bệnh viện luôn trong tình trạng báo động không chỉ vì ca Covid-19 tăng nặng mà cả các bệnh lý khác khi không có bác sĩ, điều dưỡng do bị cách ly”.
Sẵn sàng ứng phó biến chủng Omicron, tỉnh nâng công suất giường bệnh, thành lập mới các khu điều trị theo hướng mỗi bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện sẽ có một khu điều trị bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện tư nhân thành lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 để chia sẻ, giảm gánh nặng đối với y tế nhà nước.
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tính, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết bệnh viện đã thay đổi mô hình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, bệnh viện sẽ tổ chức điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tất cả các khoa và không chỉ bác sĩ nội khoa mà cả bác sĩ ngoại khoa, sản khoa đều phải tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Các khoa trong bệnh viện đều phải chuẩn bị phòng cách ly để điều trị cho nhóm bệnh của khoa. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tăng số lượng giường hồi sức, đặc biệt là hồi sức nặng dành cho số bệnh nhân lớn tuổi bị bệnh nền, kèm theo đó là máy thở, máy lọc máu, lọc thận, ECMO...
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, bác sĩ CKI Đỗ Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết Omicron là biến chủng có tốc độ lây lan nhanh, tuy nhiên vì đã có kinh nghiệm trong điều trị Covid-19 nên địa phương sẽ không bị động nếu biến chủng này xuất hiện. Trước mắt, trung tâm nâng công suất giường bệnh cùng với đó là lực lượng nhân sự sẵn sàng khi số lượng bệnh nhân tăng lên. Trung tâm cũng đẩy mạnh thực hiện sàng lọc, khai thác tiền sử bệnh nhân mắc Covid-19, người đến thăm khám và điều trị hàng ngày nhằm kịp thời phát hiện người mắc biến thể mới.
Triển khai 4 nhóm giải pháp trọng tâm
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết để ứng phó với biến chủng mới Omicron, Bình Dương tập trung vào 4 giải pháp trọng tâm, gồm: Ngăn chặn từ xa, phát hiện sớm để cách ly, tiêm ngừa và củng cố hệ thống điều trị để kịp thời cứu chữa. Trong hoạt động ngăn chặn từ xa, tỉnh huy động sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể trong việc kiểm soát người đi, đến từ các cửa khẩu quốc tế, đường hàng không, cảng biển…
Hiện Bình Dương đang tiến hành rà soát các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28-11-2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid AmplificationTest) hoặc phương pháp PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh). Các trường hợp này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh để đánh giá dịch tễ, giải trình tự gen nhằm xác định biến thể Omicron. Trường hợp ghi nhận người dương tính với biến thể Omicron thì ngành y tế tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và giải trình tự gen. Cùng với việc triển khai lấy mẫu xét nghiệm, ngành cũng tăng cường hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường.
Cùng với việc ngăn chặn, phát hiện sớm, Bình Dương tăng tốc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân, đặc biệt tổ chức tiêm mũi 3 cho đối tượng nguy cơ cao như: Phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền, người đã tiêm lâu, trẻ em trong độ tuổi quy định. Tính đến ngày 2-1, toàn tỉnh đã tiêm được 4.433.451 liều vắc xin ngừa Covid-19 trên tổng số 5.401.230 liều được Bộ Y tế phân bổ; trong đó có 2.470.991 người tiêm mũi 1, 1.866.374 người tiêm mũi 2 và 96.086 người tiêm mũi 3. Trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, các địa phương tăng tốc độ bao phủ vắc xin cho người dân, tổ chức các điểm tiêm cố định và các điểm tiêm lưu động trong cộng đồng, tại các nhà máy, xí nghiệp để tiêm cho người lao động.
HOÀNG LINH