Trên những chuyến tàu đầu xuân

Thứ ba, ngày 07/02/2023

(BDO) Sau thời gian về quê đón tết cùng gia đình, hàng ngàn công nhân lao động trên mọi miền đất nước lại “khăn gói” để tiếp tục hành trình rời quê hương theo những chuyến tàu đến những “Thủ phủ công nghiệp” để tiếp tục công việc mưu sinh thường nhật của mình. Trên những chuyến tàu đó, chất chứa những ước vọng về một năm mới tốt lành, đủ đầy hơn.

 Ga Dĩ An (TP.Dĩ An) những ngày này luôn nhộn nhịp đón người lao động trở lại để tiếp tục hành trình mưu sinh với mong ước một năm mới khởi sắc hơn

 Đi xa để trở về

Biền biệt quanh năm với cuộc sống mưu sinh nơi phương xa, tết đến xuân về ai cũng mong muốn được về quê đón tết đoàn viên với gia đình, quây quần bên mâm cơm đầy đủ các thành viên với nhiều niềm vui và cùng chúc nhau những lời chúc năm mới bình an, thắng lợi… Để rồi sau những ngày được nghỉ tết cùng gia đình, được thỏa thích đi chơi, thăm hỏi người thân và bạn bè, mọi người lại “khăn gói” lên đường để bắt đầu một năm tất bật với cuộc sống mưu sinh. Trên những ga tàu, những cái vẫy tay chào nhau, những lời chào tạm biệt nói vội với nhiều cung bậc cảm xúc khiến chúng tôi, những người chứng kiến không khỏi bồi hồi, xúc động.

Vào những ngày đầu năm, khách trên các chuyến tàu chạy từ Bắc vào Nam đa phần là những người con xa quê về đón tết rồi quay trở lại làm việc tại các tỉnh phía Nam mà phần lớn là tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Cùng đi trên chuyến tàu SE13 chạy từ TP.Vinh (Nghệ An) vào TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi cảm nhận được tinh thần của những người con xa quê lập nghiệp những ngày đầu năm. Khác hẳn với không khí vui vẻ, háo hức, mong chờ trên các chuyến tàu về quê đón tết cùng gia đình, chuyến tàu đầu năm trở lại phố thị này không khí có phần trầm lắng. Trên khuôn mặt nhiều người vẫn còn vẻ luyến tiếc xen lẫn nỗi bịn rịn quê nhà, người thân, bạn bè bởi cảm nhận khoảng thời gian ở bên gia đình ngắn ngủi, chưa kịp cảm nhận hết không khí ngày xuân đã phải lên đường để kịp đi làm, con cái đi học trở lại.

Đang ôm đứa con nhỏ hơn 4 tuổi vẫy tay chào người thân đứng tiễn dưới sân ga Đồng Hới (Quảng Bình), anh Nguyễn Đức Anh, quê tỉnh Quảng Bình cho biết gia đình anh rời quê vào Đồng Nai làm việc hơn chục năm rồi. Sau mấy năm dịch giã không về quê được, năm nay dù kinh tế hơi khó khăn nhưng vợ chồng anh vẫn quyết định đưa con về đón tết cùng gia đình. “Đã lâu không về quê, nay về thấy quê hương có nhiều đổi thay mình cũng vui. Về được mấy ngày rồi lại tất bật vào đi làm, tuy có hơi tiếc nhưng cũng đành chịu. Giờ còn sức khỏe thì cố gắng đi làm xa, kiếm ít vốn liếng rồi sau này có về quê sẽ đỡ đần cha mẹ, con cái để cuộc sống ổn định hơn. Xa quê đi làm chúng tôi chỉ có niềm mong mỏi như vậy thôi”, anh Đức Anh nói.

Lau vội những giọt nước mắt khi xem lại những tấm ảnh chụp với mẹ trong mấy ngày tết, chị Trần Thị Tuyết quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trải lòng: “Do cả gia đình 5 người về quê vào dịp tết khá tốn kém nên tàu hỏa là phương tiện mà gia đình tôi lựa chọn để đi. Tôi vào Bình Dương làm công nhân từ hồi còn trẻ, đến nay đã lập gia đình và có 3 con nhỏ. Đi lâu như vậy nên mỗi lần về quê tôi lại không nỡ chào tạm biệt mọi người để đi. Chỉ mong ông bà, cha mẹ ở nhà luôn mạnh khỏe để chúng tôi còn được về quê đón nhiều cái tết đoàn viên ấm cúng cùng nhau”.

Chất chứa bao khát vọng

Ngồi trên tàu ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên của đất nước, anh Mai Xuân Tứ quê ở Quảng Bình mỉm cười rồi nói: “Sau những ngày ngắn ngủi về đón tết cùng gia đình, nay tôi lại phải vội vàng vào tiếp tục công việc của mình. Đời công nhân chỉ vậy thôi chị ạ, cả năm cặm cụi làm việc, tích góp chỉ mong cuối năm có thể về quê đón tết cùng gia đình. Mỗi năm chỉ có vài ba dịp cả nhà được sum họp bên nhau, nên giờ đi vào vẫn cứ thấy nhớ những giây phút đó. Hy vọng năm nay sẽ hơn năm ngoái, công ty có nhiều đơn hàng để chúng tôi có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và phụ giúp thêm cho gia đình ở quê”.

Cùng tâm trạng với anh Tứ, chị Hà Thị Hạnh quê ở Quảng Trị cho biết do điều kiện khó khăn nên chị phải gửi con về cho ông bà chăm sóc giúp. Từ khi gửi con về, năm nào vợ chồng chị cũng tranh thủ về quê đón tết cùng gia đình. Biết là tốn kém nhưng hai vợ chồng cũng phải cố gắng về với con, với ông bà cho vui cửa, vui nhà. “Mấy ngày tết trôi qua nhanh quá, vừa mới hôm nào còn háo hức đi sắm đồ để về quê nay đã phải vào làm việc lại rồi. Cứ ra tết là vợ chồng tôi lại khăn gói ra đi dẫu có chút lưu luyến vì khoảng thời gian đoàn tụ bên gia đình quá ít, nhưng đành phải chấp nhận vì công việc, vì cuộc sống mưu sinh. Hy vọng năm mới gặp nhiều may mắn, công việc ổn định, thuận lợi để năm sau chúng tôi về quê đón tết cùng gia đình được đầy đủ hơn năm cũ”, vừa nhìn về phía cuối đoàn tàu, chị Hạnh vừa tâm sự.

Không chỉ riêng anh Tứ, chị Hạnh, chị Tuyết mà có lẽ đây là tâm trạng chung của những người con phải xa quê trong những ngày đầu năm mới. Trong dòng người đón xe, tàu rời quê và những người đưa tiễn hầu như trên khuôn mặt ai cũng đượm buồn bởi chẳng ai muốn xa gia đình, xa người thân. Nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình nên buộc phải xa quê hương với mong muốn ổn định cuộc sống cho bản thân và giúp gia đình vơi bớt khó khăn.

Một hồi còi dài vang lên, tiếng bánh sắt lăn trên đường ray xình xịch. Những toa tàu lần lượt nối đuôi nhau rời sân ga, mang theo cả những nụ cười và những giọt nước mắt, mang theo cả niềm hân hoan phấn khởi, tin tưởng của những người con xa quê vào một năm mới với thắng lợi mới. Những chuyến tàu ngày đầu năm lao nhanh trong đêm tối như hàng ngàn chuyến tàu của những ngày khác trong năm. Tại mỗi điểm dừng, những hành khách lần lượt lên tàu, con tàu vẫn miệt mài đi về điểm cuối cùng của hành trình và chở theo những nỗi niềm, những khát vọng của những người con xa quê. Chuyến tàu nào cũng vậy, luôn có những mảnh ghép cuộc sống đủ màu sắc.

 Những chuyến tàu lần lượt nối đuôi nhau rời sân ga, mang theo cả những nụ cười và những giọt nước mắt, mang theo cả niềm hân hoan phấn khởi, tin tưởng của những người con xa quê vào một năm mới thắng lợi mới. Tại mỗi điểm dừng, những hành khách lần lượt lên tàu, con tàu vẫn miệt mài đi về điểm cuối cùng của hành trình và chở theo những nỗi niềm, những khát vọng của những người con xa quê.

 HỒNG PHƯƠNG