Tre - tiếng gọi âm vang trong lòng người dân Phú An

Thứ năm, ngày 25/05/2017

Nhắc đến cây tre là nhắc đến hình ảnh quê hương, là gợi lên dáng đứng hiên ngang của một đất nước oai hùng. Bình Dương là vùng đất có rất nhiều loại tre trúc, nên hình dáng oai hùng ấy cũng đã ăn sâu vào tâm thức của bao thế hệ người Bình Dương. Trong đó xã Phú An (TX.Bến Cát), một xã còn hàm chứa nét làng quê hơn cả, được mọi người gần xa biết đến bởi tiếng vang về cây tre. Ở đây có hẳn một Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên với tên gọi quen thuộc là Làng tre Phú An.

(BDO)

Lối vào Làng tre Phú An

Khu Nghiên cứu và Bảo tồn tài nguyên tre

Trên diện tích rộng khoảng 4 ha và có 200 loài tre khác nhau, trong đó có nhiều giống quý và được sưu tập từ Bắc vào Nam như: Lộc Ngộc (Hà Giang), Vàng Sọc, Hóp Sào, Mai Ông (Phú Thọ), Tre Nước (Thái Nguyên), Tre Đố (Quảng Ninh)... Thành quả đó là tâm huyết không mệt mỏi của Tiến sĩ khoa học Diệp Thị Mỹ Hạnh sau thời gian vận động nguồn tương trợ của các đơn vị từ Pháp, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM và được sự hỗ trợ về đất đai của chính quyền tỉnh Bình Dương. Tâm sức ấy đã tạo dựng nên một làng tre đa dạng về chủng loại với một khu bảo tàng các vật dụng từ tre; khu bảo tồn các giống tre; nơi thu thập và nuôi trồng tre; còn lại là cả một không gian mát mẻ, cảnh quan êm ả của tre để du khách tham quan thưởng ngoạn.

Công việc chính của làng tre hiện nay là không ngừng tìm kiếm các mẫu tre mới, tiến hành mô tả, xác định giống loài để định danh cho mẫu tre. Sau đó, xây dựng cơ sở dữ liệu cho mẫu tre này để những người quan tâm có thể tìm kiếm và nghiên cứu. Song song đó, làng tre còn hỗ trợ thêm về kiến thức chuyên môn, không chỉ riêng về cây tre mà còn hệ sinh thái tổng quát của môi trường tài nguyên thiên nhiên, giúp các nghiên cứu sinh, học sinh, sinh viên cũng như cộng đồng hiểu biết sâu sắc tầm quan trọng của việc cân bằng hệ môi trường sinh thái trong cuộc sống con người.

Giá trị của cây tre

Đất nước trải qua ngàn năm thăng trầm thì cây tre cũng gắn liền với bấy nhiêu biến thiên cùng lịch sử, chính xác như lời thơ “Tre xanh xanh tự bao giờ? Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh” (Nguyễn Duy). Tre là vật liệu làm được nhiều đồ gia dụng và thủ công mỹ nghệ, là nguyên liệu chế biến ẩm thực và là một trong những nguồn dược liệu để bào chế thuốc. Trong thời chiến tre là chông, là tên, là ky xúc đất chống lại xe tăng, sắt thép của địch, thì thời bình tre là lũy, là thành chống chọi gió bão, ngăn chặn ngập mặn, xói mòn, cân bằng hệ sinh thái đất. Tre là một trong những loài cây toàn công năng, rễ, thân, lá đều sử dụng được trong đời sống hàng ngày.

Chính nhờ những giá trị đó mà hình ảnh cây tre đã đi vào văn thơ, ca dao, tục ngữ, hóa thân sống động vào đời sống tinh thần của con người, trở thành người bạn trên những chiến trường xa và trở thành ký ức nguồn cội khi nhớ về hình bóng quê nhà. Ngày nay, tre còn được các kiến trúc sư sử dụng làm nguyên vật liệu xây dựng nhiều công trình thân thiện với môi trường, được nhiều người biết đến như: Nhà hàng Bamboo Wing (Vĩnh Phúc), Cafe Gió Và Nước (TP.Thủ Dầu Một) đều do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế.

Hàng năm, tại đây đón tiếp nhiều nhóm sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng đến tìm hiểu, nghiên cứu và làm luận án, kể cả sinh viên nước ngoài như bạn Segalen (sinh viên ngành thiết kế từ Pháp), bạn đã ở đây được một tháng để gần gũi cây tre, học cách sử dụng từng bộphận của nó vào việc thiết kế. Bạn Segalen cho biết: “Tôi cảm thấy rất an toàn khi ở đây, mọi người hướng dẫn nhiệt tình và thân thiện, mình đã biết cách làm ra một sản phẩm từ thân tre”.

Làng tre còn tạo ra được sân chơi về nguồn cho các bạn trẻ; tuyên truyền người dân sử dụng sản phẩm xanh, sạch bằng cách trồng nấm, trồng rau sạch, phân loại rác thải; thứ bảy hàng tuần tổ chức Lớp học xanh vận động các em trường Tiểu học Hồ Hảo Hớn tại địa phương tham gia các chương trình: Rèn luyện kỹ năng sống, đa dạng sinh học, ý thức giữ gìn môi trường.

Phú An là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nằm trong vùng Tam giác sắt với trận chiến Xê-đa-phôn mùa hè rực lửa năm 1967 và nhiều chiến tích anh hùng đã đi vào lịch sử. Làng tre Phú An là tâm huyết của Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh cùng các học trò biến nơi đây từ “tam giác sắt” thành “tam giác xanh”, cải tạo môi trường đất bị ô nhiễm, chai sạn bởi chiến tranh thành nơi sinh sôi mầm sống, đa dạng sinh học. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng ý nghĩa.

THÙY DƯƠNG