Trẻ thơ và smartphone

Thứ bảy, ngày 01/06/2019

(BDO) Trong thời đại công nghệ phát triển, điện thoại thông minh (smartphone) trở nên phổ biến hơn bao giờ hết và hầu như gia đình nào cũng có. Đây cũng là thiết bị mà nhiều gia đình xem như là “bảo bối” để dỗ dành con trẻ trong những lúc cần thiết. Với bản tính hiếu động của trẻ, nhiều em đã nhanh chóng thao tác thành thạo và trở thành “con nghiện smartphone”.

Ngày nay, đi đâu cũng bắt gặp không ít hình ảnh trẻ em dán mắt vào màn hình smartphone hay máy tính bảng trong khi ăn uống ở nhà, quán cà phê, thậm chí là cả khi ngồi trên tàu, xe...

Một số còn có khuynh hướng dỗ trẻ bằng điện thoại, để những thiết bị này “giữ trẻ” thay mình. Cũng chỉ vì muốn trẻ không quậy phá, làm phiền mà nhiều ông bố, bà mẹ đã vô tình tạo nên những tác hại lâu dài đối với sự phát triển trí não lẫn thể lực của trẻ. Theo các chuyên gia, tác hại của smartphone đối với trẻ thì nhiều nhưng tựu trung lại có những hậu quả như: Tê liệt về cảm xúc dẫn đến trẻ ít quan tâm hơn đến những tình cảm trong gia đình; hình thành suy nghĩ bạo lực để giải quyết vấn đề; ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành do lười biếng suy nghĩ, vận động; cản trở đến sự hòa nhập cộng đồng; mất ngủ; thường trầm cảm và lo âu; rối loạn hành vi, gây suy giảm trí nhớ; béo phì; suy giảm khả năng tập trung, suy giảm thị lực khiến trẻ học tập kém hơn... Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa ra khuyến cáo về việc trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi sử dụng smartphone và xem màn hình điện tử quá lâu. Cùng với khuyến cáo trên, WHO cũng cho rằng, trẻ em nên hoạt động thể chất và ngủ đủ giấc để giúp phát triển thói quen tốt suốt đời, ngăn ngừa béo phì và các bệnh khác trong cuộc sống sau này. Thay vì dỗ trẻ em bằng smartphone, tivi hoặc iPad, WHO đề nghị cha mẹ nên thường xuyên đọc và kể chuyện cho trẻ nghe, đồng thời tăng cường hoạt động thể chất, bảo đảm chất lượng giấc ngủ sẽ cải thiện sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ.

Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6) hàng năm ở nước ta đều trùng vào dịp nghỉ hè của thiếu niên, nhi đồng, đây cũng là lúc các bậc phụ huynh canh cánh nỗi lo quản lý con em mình. Để các em có một kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú, hãy quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phát triển toàn diện, trong đó cần lưu ý đến tác hại của smartphone. Là người dùng điện thoại thông minh nhưng sẽ là không thông minh khi ai đó xem nó là thứ để “giữ trẻ”. Vì sự an toàn của trẻ trên môi trường mạng, hãy từ bỏ thói quen đó để cho trẻ được chơi nhiều hơn, được tham gia các hoạt động ngoài trời hay các chương trình hè tại những trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi... Có như thế, trẻ mới phát huy được hết khả năng trong quá trình hình thành nhân cách, phát triển tư duy và thể chất của mình.

TRUNG ĐỒNG