Trẻ mầm non nghỉ hè, phụ huynh lo lắng
(BDO) Mùa hè là khoảng thời gian để thầy trò được nghỉ ngơi, dưỡng sức sau 9 tháng gắn bó với trường lớp. Trong khi đó, những gia đình có con đang học mầm non, mẫu giáo vô cùng lo lắng, bởi không ai trông giữ con để cha mẹ đi làm.
Vừa chuẩn bị bước vào hè, những phụ huynh là công nhân viên chức, người lao động đã tất bật tìm nơi gửi con. Người thì đưa con về quê nhờ người thân giữ hộ, số khác gửi con tại nhà giáo viên hoặc gửi tạm ở nhóm trẻ gia đình. Chị Lê Thị Ngọc Hiền (TP.Thủ Dầu Một) tâm sự, chị có 2 con, đứa lớn học lớp 5, đứa nhỏ năm nay lên lớp lá. Cả anh và chị đều là công nhân viên chức, hè này anh chị gửi con về quê ở Phú Giáo. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, bởi không ở gần chăm sóc con chị không yên tâm, vì trẻ có thể chơi đùa, nghịch ngợm, nguy cơ tai nạn khó tránh khỏi. Bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), cho biết: “Trong 3 tháng hè, giáo viên được nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau một năm làm việc và dành thời gian cho việc học tập, tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Mặt khác, các cơ sở giáo dục mầm non tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019. Đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, tùy theo điều kiện thực tế của từng đơn vị và nhu cầu gửi trẻ của cha mẹ các cháu, các cơ sở thỏa thuận thống nhất thời gian bắt đầu tổ chức hoạt động hè”.
Trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ (TX.Thuận An) giữ trẻ xuyên suốt năm học,
phụ huynh an tâm. Ảnh: H.THÁI
Theo chúng tôi được biết, nửa đầu tháng 6, các trường mầm non công lập tổ chức cho giáo viên nghỉ hè, nghỉ ngơi tham quan du lịch, phục hồi sức khỏe sau khi kết thúc năm học. Sau đó, các trường nhận giữ trẻ trong hè. Tuy nhiên, các trường cũng chỉ giữ trẻ được 1,5 tháng, sau đó tiếp tục cho các cháu nghỉ hè. Theo Ban Giám hiệu trường Mầm non Đoàn Thị Liên (TP.Thủ Dầu Một), thấu hiểu được những khó khăn của phụ huynh, nhà trường tổ chức dạy hè từ ngày 11-6 đến hết tháng 7 tới. Đầu tháng 8 các cô bắt đầu vệ sinh, trang trí trường lớp chuẩn bị năm học mới và học bồi dưỡng chuyên môn. Rõ ràng, mùa hè các bậc phụ huynh tỏ ra lúng túng vì thời gian nghỉ hè, dạy hè cứ đan xen nhau. Và các trường chỉ thực sự dạy hè 1,5 tháng, đây là một khó khăn đối với các bậc cha mẹ. Một số phụ huynh làm việc trong các đơn vị hành chính sự nghiệp đưa con đến công sở cùng mẹ, còn với những người công tác ở các doanh nghiệp không có người thân ở gần tỏ ra lúng túng khi con em nghỉ hè.
Nếu như các trường mầm non công lập chỉ dạy hè cầm chừng, thì với các trường mầm non, mẫu giáo ngoài công lập, thời gian giữ cháu trong dịp hè được thực hiện linh hoạt hơn. Theo Ban Giám hiệu trường Mẫu giáo Phượng Hồng (TX. Thuận An), do hầu hết các cháu ở đây là con công nhân lao động, nên nhà trường nhận giữ trẻ xuyên suốt cả năm. Nhờ vậy, phụ huynh an tâm làm việc. Với trường Mầm non Vinh Sơn 2 (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một), thầy Nguyễn Viết Hiếu, Hiệu trưởng cho hay: “Từ ngày hôm qua (4-6), nhà trường nhận giữ cháu trong hè. Thời gian này các cháu vẫn được các cô chăm sóc, giáo dục, tổ chức các hoạt động tương tự trong năm học. Nhà trường cũng bảo đảm để giáo viên được luân phiên nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau một năm học, cũng như sắp xếp cho giáo viên tham dự các lớp bồi dưỡng do ngành GD-ĐT tổ chức”.
Khác với các bậc học khác, trẻ mầm non học hè là một nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh. Để các cháu vẫn bảo đảm được nuôi dạy, chăm sóc chu đáo, Sở GD-ĐT đã nhắc nhở các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc chế độ vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ như trong năm học. Nhà trường quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, thỏa thuận với phụ huynh về chế độ đóng góp tiền ăn hợp lý, nhằm bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Bà Phạm Thị Huệ Trang lưu ý thêm, thời gian hè cũng là lúc thời tiết nắng nóng và mưa nhiều, nguy cơ về các bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng… dễ phát sinh thành dịch. Vì vậy các cơ sở giáo dục mầm non cần tăng cường kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định về thực hiện quy chế chuyên môn, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch; quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không mua thức ăn chế biến sẵn; tổ chức các hoạt động, sinh hoạt vui chơi phù hợp đối với từng độ tuổi của trẻ.
“Để hoạt động ở các cơ sở giáo dục mầm non vẫn giữ được nề nếp, Sở GD-ĐT đã nhắc nhở các Phòng GD-ĐT tăng cường phối hợp với địa phương rà soát kiểm tra các cơ sở nhóm trẻ - lớp mẫu giáo độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình, đặc biệt là các cơ sở nuôi giữ trẻ tự phát trên địa bàn, có nhiều biện pháp tích cực để bảo đảm an toàn tuyệt đối và chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ…”.
(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)
H.THÁI