Trẻ mắc bệnh sởi không nhất thiết phải nhập viện
(BDO) Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 132 trường hợp mắc bệnh sởi, giảm 10 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hiện bệnh sởi phát triển theo hướng phức tạp, lan rộng, không chỉ gây khó khăn cho các bệnh viện trong công tác điều trị mà còn góp phần làm cho bệnh phát triển theo hướng phức tạp hơn.
Bác sĩ CK1 Quách Hoàng Mỹ, phụ trách khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, trẻ mắc bệnh sởi không nhất thiết phải nhập viện, chỉ nhập viện khi biến chứng xảy ra. Sởi là bệnh lây truyền nhanh qua đường hô hấp. Phụ nữ mang thai mắc sởi có thể gây sẩy thai hay gây dị tật cho thai nhi. Điều đáng sợ nhất của sởi không phải là ban mà là các biến chứng. Những biến chứng có thể gặp là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não sau sởi…
Khi thấy trẻ bị sởi, người lớn thường áp dụng biện pháp kiêng gió, kiêng nước để bệnh nhanh khỏi nhưng điều này làm cho bệnh nặng hơn vì mất vệ sinh. Nhiều người còn giữ kín trẻ khiến cho trẻ không thể hạ sốt, có thể dẫn tới sốt cao, co giật và dễ gây biến chứng. Việc kiêng tắm rửa có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da và dẫn đến biến chứng viêm phổi.
Theo Bác sĩ CK1 Quách Hoàng Mỹ, trẻ mắc bệnh sởi không nhất thiết phải nhập viện, người dân cần phòng ngừa bệnh hiệu quả: Giữ vệ sinh cá nhân; có chế độ dinh dưỡng hợp lý; cần cách ly người bệnh để tránh lây lan cho cộng đồng; vệ sinh môi trường có người bệnh như tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B; tiêm ngừa vắc xin đối với cả người lớn và trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa...
HOÀNG KIM