Trẻ em trước vấn nạn bạo lực, bị xâm hại: Cần nhiều hơn những hành động thiết thực

Thứ bảy, ngày 09/06/2012

Câu khẩu hiệu: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” có một ý nghĩa rất lớn. Bởi những “chồi non” hôm nay chính là những con người sẽ nắm giữ vận mệnh đất nước trong tương lai. Vậy mà có một thực tế đau lòng rằng số trẻ bị xâm hại, bị bạo hành hàng năm vẫn không ngừng gia tăng, thậm chí với mức độ ngày càng nghiêm trọng. 

Trẻ em lang thang, mưu sinh nơi đường phố rất dễ bị xâm hại, bạo hành

Báo động vấn nạn bạo hành

Liên tiếp gần đây, những câu chuyện thương tâm về nạn bạo hành đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã khiến độc giả bức xúc. Câu chuyện về cậu bé Châu Văn Phúc Thiên (13 tuổi, Nhơn Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận) bị cha ruột hành hung dã man vào đúng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 vừa qua là một minh chứng đau lòng. Sau khi uống rượu say về nhà, ông Châu Văn Thuận (39 tuổi) đã dùng dây xích xích chân cháu Thiên vào cửa, rồi dùng vật liệu cứng đánh vào vai cháu Thiên khiến cháu bị trật khuỷu tay. Ông Thuận còn đánh vào người, giẫm vào ngực cháu Thiên làm cháu bị thâm tím đầy mình. Cháu đã hai lần bị bố đánh gãy tay và giờ tinh thần trở nên hỗn loạn, nét mặt sợ hãi khi nhắc đến bố.

Năm 2011, Bình Dương có 8.216 TE có hoàn cảnh đặc biệt

Theo số liệu báo cáo, tính đến tháng 8-2011, toàn tỉnh có 8.216 TE có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật BVCS&GDTE. Trong đó, TE mồ côi, bỏ rơi: 4.960, TE khuyết tật: 1.485, TE phải lao động sớm, lao động nặng nhọc: 575, TE bị nhiễm chất độc hóa học: 325, TE làm việc xa gia đình: 35, TE bị nhiễm HIV: 28, TE lang thang: 593, TE bị xâm hại tình dục: 21, TE nghiện ma túy: 2, TE làm trái pháp luật: 192.  Căn cứ vào Luật BVCS&GDTE thì so với năm 2010, số TE có hoàn cảnh đặc biệt giảm 04% (8.544 em) và có 15.747 TE có hoàn cảnh đặc biệt khác, gồm: 9.700 TE thuộc hộ nghèo, 5.600 TE bị tai nạn thương tích, 30 em bị ngược đãi, bạo lực, 1 em bị bắt cóc, buôn bán.

Hay như câu chuyện khiến nhiều người phải sốc vì mức độ nghiêm trọng như vụ án nữ sinh đâm chết bạn rồi điện thoại về khoe với mẹ của cô nữ sinh Trần Thị Cẩm Thu (SN 1996, Tân Hương, Châu Thành, Tiền Giang) lại là một vấn nạn về bạo lực trong thế giới trẻ em. Do Lê Thị Thu Thảo có mâu thuẫn với Trần Thị Cẩm Thu nên đã tát bạn, ngay sau đó, Thu rút dao ra đâm vào đùi trái của Thảo. Vết dao oan nghiệt làm đứt động mạch chủ. Thu không cho bạn nào được vào “giải cứu”. Sau khi xuống tay, Thu không những không hoảng sợ mà còn bình tĩnh đem dao vào nhà vệ sinh rửa sạch máu rồi ra hành lang gọt táo ăn. Theo các nhân chứng có mặt tại hiện trường, Thu thậm chí còn điện thoại về cho khoe: “Mẹ ơi, con đâm chết nó rồi”.

Hẳn mọi người còn nhớ vụ bạo hành trẻ của bà Trần Thị Phụng (SN 1958, ngụ ở 191, tổ 14, ấp Bình Thuận 1, phường Thuận Giao, TX.Thuận An, Bình Dương) khi đã có hành vi bạo hành đối với bé Hồ Thị Thúy Ngân (3 tuổi). Qua những lần tắm cho bé Ngân tại nhà trẻ tự phát của mình vào buổi chiều, bà Phụng thường hay dìm đầu bé nước lạnh, đạp bé xuống nền nhà... (cuối năm 2010) khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo sợ khi phải gửi con tới nhà trẻ tự phát.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, một phần do mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động trực tiếp đến đời sống của từng gia đình, mỗi cá nhân như việc ham làm kinh tế mà bỏ bê trông nom con cái hay những nhu cầu hưởng thụ, trong đó có nhu cầu hưởng thụ ích kỷ... Một số trẻ xuất phát từ sự nuông chiều của gia đình nên “coi trời bằng vung” dẫn đến lối suy nghĩ lệch lạc, biến chất. Một số người có lối sống buông thả, thích đua đòi ăn chơi dẫn đến phạm tội nhằm thỏa mãn nhu cầu dục vọng thấp hèn. Đặc biệt, tính chất của các vụ xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng, báo động về sự suy đồi đạo đức như: Hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết trẻ em, thầy giáo xâm hại học sinh...

  Hành động vì trẻ em

Theo bà Vũ Thị Kim Hiền, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE), Sở LĐ-TB&XH thì để tháng hành động vì TE (tháng 6) không chỉ được phát động trong giới hạn tháng đó, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động cụ thể như: tổ chức lễ phát động tháng hành động vì TE cấp tỉnh và huyện; tổ chức diễn đàn TE; tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí với các trò chơi dân gian kết hợp với các buổi nói chuyện nhằm giáo dục trẻ kỹ năng biết bảo vệ mình; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp... Đặc biệt, bắt đầu từ ngày1-1-2012, đội ngũ cộng tác viên được xây dựng từ địa phương với nhiệm vụ rà soát, điều tra, tuyên truyền, cung cấp dịch vụ (giới thiệu những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt để được giúp đỡ...) sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác giám sát và bảo vệ trẻ em được triệt để ngay từ cấp cơ sở.

 Theo ý kiến của nhiều phụ huynh học sinh, nên đưa việc phòng tránh xâm hại TE, trong đó hành vi xâm hại tình dục TE trở thành môn học chính của các trường tiểu học và trung học cơ sở. Về biện pháp đề phòng “yêu râu xanh” xâm hại tình dục các em, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, gia đình và nhà trường nên dạy kỹ năng cho trẻ em, giúp các em phòng tránh bị xâm hại tình dục trong mọi tình huống. Nên đưa đón trẻ em đúng giờ, hướng dẫn cho các em sử dụng các loại hình giải trí lành mạnh. Giúp trẻ phân biệt ai có thể trở thành “yêu râu xanh”.

Thực tế, ở khoản 3, Điều 112 Bộ luật Hình sự xử lý rất nghiêm khắc tội phạm hiếp dâm TE, bị cáo phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, với những ai coi con cái là “vật sở hữu riêng” và tha hồ hành hạ thì Điều 110 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào đối xử tàn ác với đối tượng là TE lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ 1 - 3 năm” lại là quá nhẹ. Vì vậy, việc “Hành động vì TE” là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và xã hội. Để những hoạt động này không nằm ở tính hình thức, phong trào thì các cấp, các ngành có trách nhiệm cũng cần lựa chọn đối tượng phù hợp để giáo dục và hướng dẫn kịp thời, giúp trẻ tránh được những nguy cơ xấu từ bên ngoài.

Em Thái Ngọc Sương, học sinh lớp 8, trường THCS Lê Lợi, Tân Uyên: Chúng em cần được hướng dẫn kỹ năng sống

“Hiện nay, một số bạn bị xâm hại tình dục ngay trong trường của mình - nơi mà chúng em cho là môi trường an toàn. Rất khó để có thể chia sẻ những điều này. Vì vậy, chúng em cần những lớp dạy về kỹ năng sống, cần được hướng dẫn những kỹ năng phòng tránh XHTD”.

Em NGUYỄN THỊ THU TRANG, trường THCS Vĩnh Hòa, Phú Giáo: Cần quản lý chặt các website có nội dung  xấu

 “Ngay cạnh cổng trường em có rất nhiều quán internet. Trong khi đó, nhiều bạn nhỏ chưa ý thức được mặt tốt, xấu của “thế giới ảo” này nên đã tò mò vào các trang web không lành mạnh, chơi các trò chơi bạo lực, ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và tư duy non nớt. Em hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có cách quản lý chặt không cho các website có nội dung xấu xâm nhập vào thế giới học đường”.

THANH LÊ