Trẻ dễ èo uột vì ăn uống thiếu vi chất dinh dưỡng

Thứ tư, ngày 02/06/2010
v\:* {behavior:url(#default#VML);} o\:* {behavior:url(#default#VML);} w\:* {behavior:url(#default#VML);} .shape {behavior:url(#default#VML);} st1\:*{behavior:url(#ieooui) }

Da khô, biếng ăn, ngủ ít, bé Hoa 20 tháng tuổi được mẹ đưa đến khám tại Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, các bác sĩ xác định nguyên nhân là do cơ thể bé thiếu các vi chất dinh dưỡng.

Trước nhận xét của các bác sĩ, chị Tuyết hoàn toàn bất ngờ bởi chị luôn chăm chút cho các bữa ăn của bé. Tuy nhiên khi nghe các bác sĩ hướng dẫn danh mục các loại thức ăn có chứa vi chất như vitamin A, sắt, kẽm; chị Tuyết mới thừa nhận mình không chú ý đến vấn đề này.

Đưa con trai 5 tuổi đến Trung tâm Dinh dưỡng khám với các biểu hiện biếng ăn, dễ bị tiêu chảy, cảm lạnh, vợ chồng anh Thoại nhà ở Tân Phú, Đồng Nai, cũng nhận được chẩn đoán nguyên nhân gây nên tình trạng trên của cháu là do thiếu vi chất dinh dưỡng.

Cuối tháng 5, tức một tháng sau khi được tư vấn các loại thức ăn có chứa vi chất dinh dưỡng, trở lại trung tâm dinh dưỡng cùng bố mẹ, cả hai bé đều được xác nhận đã cải thiện tình hình sức khỏe rõ rệt.Theo các bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, việc trẻ bị thiếu vi chất kéo dài dẫn đến chậm phát triển hoặc có những biểu hiện tương tự như các trường hợp trên không hiếm gặp. Đây cũng là thực trạng chung của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ không nắm rõ vi chất dinh dưỡng có trong loại thức ăn nào để cung cấp cho trẻ.

Một kết quả khảo sát về chế độ ăn uống trên hơn 300 trẻ em ở Hà Nội và TP HCM mới đây, cho thấy, có đến hơn 10% khẩu phần ăn của các trẻ này không cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng như sắt, vitamin A và kẽm. Ở trẻ dưới 5 tuổi tỷ lệ thiếu máu cũng gần 12%.

Giải thích khái niệm và vai trò của vi chất, Tiến sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, gọi là “vi chất dinh dưỡng” vì cơ thể mỗi người chỉ cần chúng với một lượng rất nhỏ.

Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin tan trong nước như vitamin nhóm B, C. Các vitamin tan trong chất béo là vitamin A, D, E, K. Các chất khoáng như sắt, kẽm, iốt, đồng, mangan, magiê.

Trong các loại vi chất, sắt giúp não bộ phát triển và tăng cường hệ miễn dịch, nếu thiếu trẻ sẽ biếng ăn, giảm chỉ số thông minh. Kẽm là một nhân tố quan trọng cho hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch, thiếu kẽm trẻ sẽ kém phát triển chiều cao, biếng ăn, dễ bị nhiễm khuẩn. Trong khi đó, vitamin A đóng vai trò quan trọng không kém cho sự phát triển của mắt và da. Nếu thiếu vitamin A, trẻ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, mắt nhìn kém.

Vi chất không tự sinh ra trong cơ thể. Chính vì thế, để trẻ không thiếu vi chất, cách duy nhất theo các chuyên gia dinh dưỡng là phụ huynh cần phải cung cấp từ thức ăn cho bé.

Tại Việt Nam, nhiều năm qua, ba chương trình phòng chống thiếu vitamin A, phòng chống thiếu máu do thiếu sắt và phòng chống các rối loạn do thiếu iốt, đã được triển khai.

Năm nay, ngày 1 và 2-6 được chọn làm ngày Vi chất dinh dưỡng. Trong thời gian này, Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em cả nước đồng tổ chức bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ tại các trạm y tế phường xã, đồng thời tổ chức tuyên truyền toàn dân quan tâm đến tầm quan trọng của vi chất trong thực phẩm.

Dấu hiệu trẻ thiếu một số vi chất

Thiếu kẽm: Chiều cao kém phát triển, tóc khô, móng tay mềm dễ gãy, vết thương khó lành, hay bị cảm lạnh và bị các bệnh nhiễm trùng, cơ nhão. Thực phẩm giàu kẽm gồm sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà.

Thiếu sắt: Da, dẻ xanh, nhợt nhạt, môi không hồng, móng tay màu nhợt, mềm và dễ gãy. Trẻ hay ngứa, gãi, dễ mệt mỏi nên ít đùa nghịch. Sắt có nhiều trong gan, bầu dục lợn, mề gà, lòng đỏ trứng gà, tim lợn, mộc nhĩ, nấm hương.

Thiếu vitamin C: Lợi sưng, dễ chảy máu, vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, dễ ốm vặt. Trẻ hay mệt mỏi khi hoạt động. Chất này có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót.

Thiếu vitamin D và canxi: Chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm nhất là ở phần đầu, tóc rụng thành một vành sau gáy. Canxi có nhiều trong tôm, cua, trai, ốc, phó mát. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng, và qua các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan.

Thiếu vitamin B: Phù nề, dễ mọc mụn nhiệt quanh vòm miệng, da tay chân nóng và dễ viêm, dễ rối loạn tiêu hóa, hay nôn, chán ăn, tinh thần không phấn chấn. Vitamin B có nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên cám, đậu đỗ, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, lê, sữa, pho mát...

 

THEO VNE