Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp
(BDO) Cùng với việc từng bước mở lại các hoạt động theo mức độ kiểm soát tình hình dịch bệnh theo kế hoạch chung của tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng đang khẩn trương xây dựng các phương án cụ thể, đặc biệt là trở lại với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Hiện nay, Bình Dương có 3.291 DN đang hoạt động theo các mô hình bảo đảm an toàn dịch bệnh với 270.000 lao động và 386 DN đang nộp hồ sơ để trở lại.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, chuyên gia của Bộ Y tế hỗ trợ Bình Dương chống dịch đề xuất phương châm cho DN là “sản xuất an toàn, không hoảng loạn”. DN cần có kịch bản ứng phó khi xuất hiện F0 trong nhà máy theo hướng khoanh vùng từng phân xưởng. Bên cạnh đó, tổ chức lại khu nhà trọ theo phân xưởng, DN tự tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên, đại diện, định kỳ để phát hiện sớm ca nhiễm.
Nhấn mạnh tinh thần mở lại các hoạt động sản xuất từng bước, chắc chắn, an toàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bình Dương tính toán ưu tiên phục hồi hoạt động của các nhà máy, DN lớn, một số ngành dịch vụ quan trọng… Những đơn vị bảo đảm “nhà máy xanh, nơi ở xanh, công nhân xanh” mới được phép hoạt động. Các DN, kể cả hộ kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm và cần được trao quyền chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh. Khi phát hiện ca nhiễm thì khoanh gọn nhất theo ca, kíp, phân xưởng, nơi ở trọ, còn những bộ phận khác hoạt động bình thường.
Nhằm nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, thúc đẩy kinh tế phát triển, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch cao nhất, Bình Dương quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các địa phương tập trung tháo gỡ mọi vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để DN phục hồi sản xuất, thích ứng an toàn trong trạng thái “bình thường mới”.
KHẢI ANH