Trao niềm tin và cơ hội để người nghèo vươn lên
(BDO) Để khơi dậy khát vọng thoát nghèo cho hộ nghèo, TP.Dĩ An đã thay đổi tư duy, cách làm, giúp hộ nghèo thoát nghèo đa chiều, bền vững. Nhiều hộ nghèo đã tạo dựng được niềm tin thoát nghèo từ những mô hình, cách làm hay của thành phố.
Phường Bình An hỗ trợ nhu yếu phẩm cho phụ nữ nghèo
Xóa nghèo từ trong tư tưởng
Chị Hoàng Thị Lý ở phường Dĩ An trước đây là hộ nghèo. Do bị khiếm thị nên cuộc sống của chị gặp rất nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể địa phương, chị Lý đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi làm ăn, thành lập Tổ hợp tác làm chổi. Đến nay, Tổ hợp tác làm chổi do chị làm chủ không chỉ giúp gia đình chị thoát nghèo mà còn nuôi ước mơ thoát nghèo bền vững cho nhiều phụ nữ khiếm thị khác. Chị Lý chia sẻ: “Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho gia đình tôi vay 50 triệu mua phụ liệu về làm chổi bán. Lấy công làm lời, được sự hướng dẫn làm ăn của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, gia đình tích cóp trả lãi, gốc và có đồng vô đồng ra để gửi tiết kiệm ngân hàng ổn định cuộc sống”. Trường hợp của chị Lý là một trong những hộ thoát nghèo bền vững, đa chiều của thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Hợp, Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội TP.Dĩ An, cho biết: “Cái khó trong công tác giảm nghèo trên địa bàn là làm thế nào để người nghèo thoát nghèo bền vững, không tái nghèo. Theo đó, thành phố hướng đến mục tiêu đổi mới tư duy giảm nghèo, tăng cho vay ưu đãi, hạn chế tối đa các chính sách hỗ trợ làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ chính sách của từng hộ dân. Địa phương chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và hướng dẫn tận tình, còn bản thân người nghèo, hộ nghèo phải cố gắng vươn lên làm ăn để từng bước thoát nghèo”.
Ghi nhận của P.V, công tác giảm nghèo trên địa bàn TP.Dĩ An được triển khai với cách làm rất mới, bài bản. Sau khi rà soát hộ nghèo theo phương pháp đa chiều, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các địa phương đi sâu phân loại nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo của từng hộ, nhóm hộ gia đình với các tiêu chí như: Thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu lao động, đông người phụ thuộc, thiếu vốn, thiếu đất, phương tiện sản xuất, lười lao động, tai nạn rủi ro, có người ốm đau, tàn tật và thiếu việc làm. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu hộ nghèo và các tiêu chí thiếu hụt, các phường tiến hành lên danh sách theo thứ tự ưu tiên để các đơn vị, địa phương hỗ trợ. Trước khi nhận hỗ trợ, các đơn vị đi thực tế tìm hiểu nhu cầu và khả năng của từng hộ để có hình thức giúp đỡ phù hợp như: Hỗ trợ vay vốn, sửa chữa nhà, học nghề, xin việc làm...
Thay đổi cách làm
Điểm nổi bật trong công tác giảm nghèo của TP.Dĩ An trong thời gian qua là hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu giải quyết việc làm cho lao động nghèo, người dân tộc thiểu số. Từ năm 2021 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội TP.Dĩ An đã phối hợp mở 7 lớp nghề sơ cấp như: Pha chế đồ uống, cắm hoa, trang điểm. Đặc biệt, phòng phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố trao tặng 9 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí 913 triệu đồng.
Ông Phạm Nguyễn Trường Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường Dĩ An, cho biết trên cơ sở hoàn thành việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều, cán bộ phường phân tích nguyên nhân để phân loại đối tượng và có hướng hỗ trợ phù hợp, theo thứ tự ưu tiên. Các hộ thuộc diện không có sức lao động (già yếu, ốm đau thường xuyên, mắc bệnh hiểm nghèo), phường thực hiện cơ chế hỗ trợ trực tiếp, không đưa họ vào diện thực hiện mục tiêu giảm nghèo mà chuyển sang nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Đối với nhóm không nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản mà nghèo về thu nhập sẽ tập trung chính sách tạo sinh kế, hỗ trợ ưu đãi vốn làm ăn. Đối với nhóm nghèo về dịch vụ xã hội cơ bản nhưng không nghèo về thu nhập thì sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp cận.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bên cạnh việc triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân, TP.Dĩ An đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết khi Quyết định số 59/2015/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, TP.Dĩ An cũng như các huyện, thị, thành phố khác trong tỉnh bắt tay vào tiếp cận và triển khai giảm nghèo đa chiều. Ngoài tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo còn được đo lường ở mức độ thiếu hụt 5 dịch vụ xã hội cơ bản gồm y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin”.
“Xác định rõ một trong những điều quan trọng nhất trong công tác giảm nghèo chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ trong tư tưởng, để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo, vì vậy công tác nâng cao năng lực tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các hội đoàn thể quan tâm thực hiện”, ông Phạm Văn Bảy nói.
KIM HÀ