Trào lưu chính khách trẻ ở châu Phi
(BDO) Lãnh đạo các quốc gia châu Phi đang gây chú ý cho cả thế giới khi bổ nhiệm một loạt quan chức cao cấp trong chính phủ có trình độ, năng lực nhưng tuổi đời còn rất trẻ. Những người trẻ này đang tạo ra luồng sinh khí mới cho lục địa đen.
Emma Theofelus, 23 tuổi, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Thông tin, Truyền thông và Công nghệ của Namibia khoảng một tuần lễ sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Vai trò của cô là truyền thông ra công chúng các bước thực hiện phòng tránh dịch bệnh.
Cơ duyên đưa Theofelus đến với công việc này là do người ta biết được cô từng là một thủ lĩnh thanh niên và đã từng làm việc trong Bộ Tư pháp. Nhưng đối với công việc mới này thì cô cũng chỉ mới làm quen. Thực ra, cái mà Chính phủ Namibia cần là những kỹ năng hoạt động của cô có thể giúp ích cho đất nước trong cơn đại dịch.
Quả nhiên, những kết quả Theofelus mang lại cho đất nước đến nay là không nhỏ. Truyền thông thực tế về COVID-19 trong công chúng kết hợp với chống tin giả là phương pháp thành công của Theofelus.
Emma Theofelus.
Việc bầu, bổ nhiệm người trẻ tuổi giữ chức vụ cao cấp ở châu Phi không phải là mới. Ví dụ như Thomas Sankara, mới 33 tuổi khi được bầu làm Tổng thống Burkina Faso vào năm 1983, còn Abiy Ahmed trở thành Thủ tướng Ethiopia vào năm 2019 khi 41 tuổi. Nhưng Theofelus còn rất trẻ, lại là nữ, được xem là một trong những gương mặt điển hình cho 60% dân số dưới 25 tuổi của các quốc gia châu Phi.
Ở Botswana, láng giềng của Namibia, chuyên gia tư vấn kinh tế và thương mại Bogolo Kenewendo được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp khi mới 29 tuổi. Cũng như Theofelus, Kenewendo không thăng tiến theo con đường chính trị đảng phái, mà được bổ nhiệm chủ yếu là do các kỹ năng chuyên môn của bà có thể giúp ích cho công việc của chính phủ. Điều này có vẻ không bình thường ở khu vực Nam châu Phi, nơi lâu nay nổi tiếng là chú trọng vào thành tích trong đấu tranh giải phóng dân tộc hơn là trình độ đào tạo.
Một trường hợp tương tự là Vera Daves da Sousa, 35 tuổi, trở thành Bộ trưởng Tài chính Angola năm ngoái. Hiện tại, da Sousa được giao nhiệm vụ trọng đại là khôi phục nền kinh tế Angola đang lâm vào suy thoái nặng nề.
Trong vòng một thập niên qua, Nam Phi đã chào đón số lượng thành viên nội các trẻ tuổi khá đông đảo. Chẳng hạn, năm ngoái luật sư Ronald Lamola đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp khi mới 35 tuổi. Lamola có quá trình thăng tiến từ thấp lên cao từ cách đây một thập niên, với vai trò là thủ lĩnh trong Đoàn thanh niên ANC.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vài tháng qua, Lamola là thành viên của một ủy ban chính phủ điều hành cả nước thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Trong cuộc chiến này, một đồng đội cũ của ông thời Đoàn thanh niên ANC là Bộ trưởng Truyền thông Stella Ndabeni-Abrahams đã bị tạm đình chỉ công tác do vi phạm các quy định về phòng chống dịch.
Nhưng Lamola chưa phải là hiện tượng đáng chú ý ở Nam Phi. Cũng trong năm 2019, Itumeleng Ntsube của ANC đã trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước này khi mới 20 tuổi. Theo sau Ntsube là 4 bạn học cũ thời sinh viên đại học, từng cùng nhau tạo tên tuổi trong phong trào đòi giảm học phí cho sinh viên mang tên #FeesMustFall.
Ở nước láng giềng Zimbabwe, cựu vận động viên bơi lội Olympic Kirsty Coventry được (Tổng thống Emmerson Mnangagwa) bổ nhiệm chức Bộ trưởng Thanh niên, Thể thao, Nghệ thuật và Giải trí vào năm 2018, khi mới 35 tuổi. Cùng năm, Jessie Majome, thuộc đảng đối lập Liên minh MDC, trở thành nghị sĩ trẻ nhất khi mới 25 tuổi. Trước ông Mnangagwa, Tổng thống Robert Mugabe cũng là người nổi tiếng trọng dụng người trẻ, đã từng bổ nhiệm một số bộ trưởng, thứ trưởng trong độ tuổi 20-30.
Theo một số chuyên gia, việc sử dụng các lãnh đạo trẻ tuổi trong nội các chính phủ không phải lúc nào cũng là điều tốt lành. Như tại Zimbabwe, việc sử dụng lãnh đạo trẻ tuổi từ thời ông Mugabe cho đến ông Mnangagwa đều không nhằm mục tiêu phát triển thanh niên, trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, mà phải có sự sàng lọc theo ý muốn của người đứng đầu chính phủ. Hầu hết được tiến hành theo kiểu nửa vời, hoặc là nhằm “mua chuộc” sự ủng hộ của thành phần đối lập.
Chẳng hạn, giới nghiên cứu cho rằng việc Coventry được bổ nhiệm là nhằm mục đích thu hút sự ủng hộ của người da trắng ở Zimbabwe. Ngoài ra, một số lãnh đạo quốc gia bổ nhiệm người trẻ giữ các chức vụ cao nhằm tạo ưu thế cạnh tranh với phe đối lập.
Tuy nhiên, một báo cáo năm 2018 của tổ chức Gates Foundation của tỉ phú Bill Gates cho rằng, việc quan tâm đầu tư cho dân số trẻ thông qua việc đề bạt, bổ nhiệm các quan chức, chính khách trẻ tuổi là điều tốt lành đối với các nền kinh tế ở châu Phi, vì người trẻ thì có sức khỏe, có giáo dục tốt và làm việc hiệu quả. Họ có khả năng sáng tạo rất cao và mang lại hiệu ứng kích thích kinh tế phát triển nhanh.
Theofelus nói rằng cô tin tưởng Tổng thống Namibia Hage Geingob có ý định tốt khi bổ nhiệm cô, rằng Tổng thống Geingob đã dám đặt cược tương lai đất nước vào thế hệ những người trẻ như cô là một điều khiến cô rất khâm phục. Nhưng chính điều này cũng đặt ra nhiều áp lực cho cô trong thực thi nhiệm vụ.
Melanie Verwoerd là cựu nghị sĩ Nam Phi thuộc đảng ANC, người phụ nữ đầu tiên và trẻ nhất tham gia nghị viện Nam Phi khi đất nước này vừa mới thoát khỏi ách Apartheid năm 1994. Bà Verwoerd cho rằng có người trẻ trong cơ quan công quyền là rất quan trọng, bởi người trẻ thường có năng lượng dồi dào, có năng lực sáng tạo, và đặc biệt là sức trẻ tốt cho vai trò của một chính khách.
Tuy nhiên, bà Verwoerd cũng cho rằng, chính khách trẻ tuổi cũng có những điều bất lợi, chẳng hạn như khi tiếp xúc làm việc với các đối tác lớn tuổi hơn thường không được tôn trọng đúng mức. Hơn nữa, người trẻ thì thường thiếu kinh nghiệm, thiếu sự không ngoan cần thiết, và nhất là vẫn còn “cái đầu nóng”.
Theo CAND