Trao giải cuộc thi viết về những tấm gương bình dị

Thứ ba, ngày 11/06/2013

Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1949-11/6-2013), tối 10/6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ diễn ra lễ trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 4 và chương trình giao lưu nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin với Bác”.

Mỗi tác phẩm tham dự cuộc thi là tâm huyết của các nhà báo, các cây viết góp phần biểu dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong các phong trào thi đua.

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”do báo Quân đội nhân dân tổ chức và đây cũng là đơn vị có nhiều tác giả đoạt giải.

  Chị Trần Thị Thanh Hương ở cơ sở nuôi trẻ khuyết tật Thiện Giao

Nhiều tác phẩm có tính phát hiện và biểu dương những gương người tốt việc tốt, những con người bình dị trong cuộc sống đời thường, đã quên mình vì cộng đồng, luôn đặt quyền lợi của tập thể lên trên hết.

Đó là chị Trần Thị Thanh Hương ở cơ sở nuôi trẻ khuyết tật Thiện Giao (Đồ Sơn-Hải Phòng) đã dành trọn cuộc đời để nuôi dưỡng, dìu dắt cho những mảnh đời tật nguyền, những em thơ bị nhiễm chất độc da cam.

Đến nay, dù đang mang trong mình căn bệnh ung thư, hàng ngày phải chịu đựng những đau đớn về thể xác, chị vẫn cần mẫn và đầy tâm huyết với công việc nhân đạo này.

Nhà báo Huyền Trang, báo Quân đội nhân dân, tác giả bài viết về chị Hương với nhan đề “Người dìu dắt 166 mảnh đời”- tác phẩm đạt giải nhì của cuộc thi chia sẻ: “Sự hy sinh thầm lặng của chị cần được tôn vinh. Chị xứng đáng được xã hội tôn vinh”.

Để giới thiệu “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tới bạn đọc, những người viết đã lăn lộn trong thực tiễn để tìm tòi, phát hiện, thu thập thông tin và truyền tải trên từng trang viết.

Cũng qua gặp gỡ, tiếp xúc với nhân vật, bản thân mỗi người viết đã học tập được ở họ rất nhiều. Tác giả Trung Kiên với tác phẩm “Người thầy thuốc trẻ không ngừng sáng tạo” viết về bác sỹ Đỗ Xuân Hai ở Học viện Quân Y cho biết: “Ấn tượng của tôi đối với bác sỹ Đỗ Xuân Hai là tất cả các công trình nghiên cứu của ông đều xuất phát từ sự chia sẻ, đồng cảm với bệnh nhân. Trong quá trình khám bệnh, điều trị, thấy những nỗi đau của bệnh nhân, những vết loét khó lành thì đấy là động lực để bác sỹ Hai nghiên cứu”.

Các tác phẩm dự thi lần này đã đề cập đến nhiều tấm gương là những người dân bình dị, những cán bộ trong và ngoài quân đội, những nhà khoa học nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như: Công nghệ môi trường, nông nghiệp, thực phẩm, dầu khí… đã âm thầm đóng góp, cống hiến vì lợi ích của xã hội và cộng đồng.

Đó là, kỹ sư Lê Ngọc Tâm - Phó Giám đốc phụ trách thi công dự án Biển Đông 1 thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Cơ khí hàng hải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam-người được mệnh danh là “Thủ lĩnh thi công giàn khoan” trong tác phẩm cùng tên của tác giả Phan Tùng Sơn- đăng trên báo Quân đội Nhân dân.

Gần 3 năm thi công giàn khoan trên biển, chuyện ngày quên ăn, đêm quên ngủ đối với anh là chuyện thường tình. Anh Tâm chia sẻ: “Khó khăn đến mấy, anh và tập thể cán bộ, công nhân của công ty đều cố gắng vượt qua để công trình thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ”.

Trong hàng trăm tác phẩm tham dự cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, Hội đồng chung khảo đã lựa chọn trao giải cho 15 tác phẩm xuất sắc với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 9 giải Khuyến khích.

Những tác phẩm tiêu biểu của cuộc thi sẽ được xuất bản, bổ sung vào bộ sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý” thuộc tủ sách “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.

Theo VOV