Tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực
(BDO) Cùng với đầu tư nước ngoài (FDI), nhiều năm qua, Bình Dương đã chú trọng phát huy sức mạnh nội tại từ thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước. Sau 27 năm xây dựng và phát triển cho thấy nhờ đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, phát huy ý chí tự cường, năng lực nội tại của nền kinh tế, vừa tranh thủ khai thác và phát huy ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả đã giúp tỉnh nhà có điều kiện để đột phá như ngày hôm nay.
Để phát huy năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết mọi khó khăn, khuyến khích sự đổi mới và tận dụng mọi lợi thế để tìm kiếm đơn hàng mới, ưu tiên giữ vững ổn định sản xuất, tạo việc làm cho công nhân, người lao động. Song song đó, tỉnh luôn nỗ lực cải cách hành chính, rà soát, giảm thời gian thực hiện các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ và lồng ghép các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, tình hình thu hút đầu tư trong nước đều tăng dần hàng năm, dù chịu ảnh hưởng của hậu Covid-19 cũng như sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 15-6, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới là 3.292 doanh nghiệp, tăng 15,4% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 18,6 ngàn tỷ đồng. Số doanh nghiệp điều chỉnh vốn là 664 doanh nghiệp, với tổng vốn là 15,6 ngàn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lũy kế đến ngày 15-6, toàn tỉnh có 69.128 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số 759,2 ngàn tỷ đồng.
Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường phát triển khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, có tính đột phá, lan tỏa, góp phần nâng cao vị thế hàng hóa của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Thực hiện chủ trương phát huy tối đa nội lực, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh, tranh thủ, khai thác hiệu quả ngoại lực, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, tỉnh đã xây dựng kế hoạch chương trình hành động về phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước. Đây sẽ là “chìa khóa” để nền kinh tế thích ứng, chống chọi và phát triển bền vững trong bối cảnh mới có nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng...
KỲ TÂN