Bà Trần Thị Liên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh:
Tranh thủ mọi sự ủng hộ để giúp đỡ người nghèo khó vươn lên...
(BDO) Với phương châm hành động “Mình vì mọi người”, không cầu lợi, không kể công, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) đã ra đời và hoạt động vì mục đích nhân đạo, từ thiện. Trong suốt thời gian qua, các cấp Hội CTĐ trên địa bàn tỉnh trở thành chiếc cầu nối nhịp yêu thương giữa người có điều kiện với người nghèo khó bằng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực ý nghĩa. Bà Trần Thị Liên, Chủ tịch Hội CTĐ đã cho biết như thế...
Bà Trần Thị Liên, Chủ tịch Hội CTĐ (thứ 2 bên trái, hàng sau) trong một chuyến tặng quà cho các đối tượng khó khăn tại TX.Dĩ An Ảnh: H.THUẬN
- Cùng với sự phát triển đi lên của Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ tỉnh Bình Dương đã ra đời và hoạt động như thế nào, thưa bà?
- Ở tỉnh Bình Dương (trước đây là tỉnh Sông Bé), Hội CTĐ đã sớm được thành lập tháng 7-1976. Trong chặng đường 40 năm qua, hội đã trải qua không ít khó khăn, song với mục đích vì nhân đạo nên được quần chúng nhân dân hết sức ủng hộ và tham gia. Bên cạnh đó, hội còn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh, sự tích cực hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự kết hợp tốt với các đoàn thể nhân dân. Do đó, Hội CTĐ tỉnh đã từng bước đi lên và đã làm được nhiều việc đáng khích lệ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hội có đổi mới về hình thức tổ chức và phương thức hoạt động. Thu hút nhiều tầng lớp nhân dân, các giới, các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo… tham gia, ủng hộ nên hoạt động của hội đạt hiệu quả ngày càng cao.
Gần 20 năm tách tỉnh, Hội CTĐ tỉnh luôn phấn đấu vì sự nghiệp nhân đạo. Hội đã trải qua biết bao thăng trầm vất vả. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của các cấp chính quyền về mọi mặt cùng với sự đoàn kết năng động, sáng tạo, đổi mới của đội ngũ cán bộ, hội viên, người tình nguyện, các cấp hội trong tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ.
- Trong suốt thời gian qua, các cấp Hội CTĐ trên địa bàn tỉnh đã đồng hành với những hoàn cảnh không may trong cuộc sống như thế nào, thưa bà?
- Thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho gia đình chính sách, hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, hội đã vận động và phối hợp với một số đơn vị y tế như: Trường Đại học y Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện (BV) 115, BV Mắt TP.Hồ Chí Minh, BV Đa khoa tỉnh, Câu lạc bộ Những người tình nguyện tỉnh, các BV đa khoa tuyến huyện, thị, thành tổ chức cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 2,5 triệu lượt người, tổng trị giá hơn 62 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ được phân công là Thường trực Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện, Hội CTĐ các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện cứu người. 20 năm qua đã tiếp nhận được 89.753 đơn vị máu, trị giá hơn 17,950 tỷ đồng. Công tác hiến máu tình nguyện ngày càng được đông đảo người dân trong tỉnh tham gia, bảo đảm 100% máu cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại BV Đa khoa tỉnh, đồng thời góp phần cho công tác điều phối của Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy đối với các tỉnh, thành bạn.
Về công tác xã hội, trợ giúp nhân đạo, giúp người nghèo, người già cô đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam, trên tinh thần đoàn kết giúp nhau lúc khó khăn hoạn nạn, Hội CTĐ các cấp đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân, câu lạc bộ, chi hội những người tình nguyện tổ chức các đợt cứu trợ đến các tỉnh miền Trung, Tây nguyên, miền Tây và miền Đông Nam bộ bị thiên tai, lũ lụt. Kết quả, đã vận động và trao tặng 81.943 phần quà, 96,9 tấn gạo, 28 tấn quần áo mới và đã qua sử dụng, mùng, mền… tổng trị giá hơn 69 tỷ đồng.
Các hoạt động như: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; chương trình “Tết vì người nghèo, người khuyết tật và nạn nhân da cam”; chương trình “Xây, sửa nhà CTĐ”… cũng nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo, câu lạc bộ những người tình nguyện các cấp, các ngành, các đoàn thể chăm lo, tạo điều kiện giúp đỡ những người nghèo khó vươn lên hòa nhập cộng đồng.
- Để đáp ứng các hoạt động phong phú trên, đòi hỏi sự phát triển của hội cũng phải tương xứng. Xin bà cho biết rõ hơn về điều này?
- Với những nỗ lực trên, trong thời gian qua, tổ chức hội ngày càng củng cố, kiện toàn và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 344 cơ sở gồm: 91 cơ sở xã, phường, thị trấn, 230 cơ sở trường học, 23 cơ sở cơ quan, nông trường, xí nghiệp; 1.834 chi hội, 7.359 tổ hội với 152.578 hội viên. Hoạt động hội trong trường học đạt kết quả ngày càng cao, với 100% trường tiểu học, THCS, THPT có tổ chức Hội CTĐ, với 30.132 hội viên. Toàn tỉnh hiện có 437 đội thanh, thiếu niên CTĐ, với 19.417 hội viên tại cơ sở xã, phường, thị trấn, trường học.
Để đạt được kết quả như trên, bên cạnh sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ, các cấp hội trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự ủng hộ của các cấp chính quyền, sự phối hợp cộng đồng trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, cũng như sự động viên, khích lệ, ghi nhận, tôn vinh khen thưởng của Nhà nước. Các phong trào thi đua do Trung ương Hội và Tỉnh hội phát động luôn được các cấp hội thực hiện nghiêm túc, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các cấp hội, động viên tinh thần của cán bộ, hội viên toàn tỉnh. Thông qua công tác sơ, tổng kết các phong trào thi đua, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân cán bộ hội viên, góp phần tô điểm truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam và nét đẹp trong đời sống cộng đồng xã hội.
- Xin cảm ơn bà!
HỒNG THUẬN (thực hiện)