Tránh ngộ độc rượu ngày tết

Thứ bảy, ngày 25/01/2014
Tết nhất, lễ hội với tiệc tùng liên miên dễ dẫn đến tình trạng say xỉn, ngộ độc rượu. Nếu không có điểm dừng khi “chén thù chén tạc”, cuộc vui sẽ trở nên… hết vui! Dưới đây là một số lời khuyên của các bác sĩ, lương y về việc uống rượu.

Ngày thường đã có nhiều người vào khoa Tâm thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, điều trị thì những ngày tết, số lượng này càng đông hơn. Lạm dụng rượu là điều không nên và càng buồn hơn nếu uống nhầm rượu giả, rượu độc. BS Phạm Đăng Cửu, Trưởng khoa Tâm thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khuyên: “Tốt nhất, một người chưa nghiện rượu nên hạn chế tối đa để tránh nghiện. Tết cũng không được uống quá nhiều. Hậu quả từ rượu là dẫn đến các bệnh về dạ dày, rối loạn tâm thần, các chứng bệnh về gan, gây tai nạn…”.

Thói quen sử dụng rượu tự nấu, tự pha không tốt cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Trong khi đó, rượu giả thường được làm bằng các loại cồn công nghiệp không rõ nguồn gốc hoặc có pha phẩm màu công nghiệp. Đặc biệt, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân bị ngộ độc do rượu pha methanol xuất hiện nhiều. Đáng lo ngại, ngộ độc methanol là một dạng ngộ độc rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Tuy được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng ethanol là chất có thể gây độc hại cho con người.

Ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Vì thế nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống. Ngộ độc cấp tính có những biểu hiện như: Giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Giai đoạn ức chế biểu hiện: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng. Giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tử vong. Ngộ độc mạn tính là do uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần…

Thầy thuốc Lê Hưng (Hội Laser Y học tỉnh) cho biết lạm dụng rượu ảnh hưởng đến gan, thận nên có thể dùng những loại trà mát gan, bổ thận để uống giải độc. Trà linh chi, chùm ngây, lá ổ quạ… là những thức uống có thể giải rượu tốt. Tuy nhiên, vẫn theo lời khuyên của ông thì: “Uống ít thôi, trà vài chung, rượu vài ly trong ngày xuân thì không đến nỗi phải… giải rượu!”. Và, một khi uống phải rượu độc thì không còn cách nào khác mà phải được đưa đi bệnh viện cấp cứu sớm chừng nào hay chừng đó…

HƯƠNG CẦN