Tránh dồn nhiều dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Thứ hai, ngày 08/04/2024

(BDO) Sáng 8-4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 21, thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Pháp luật.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về nguyên tắc, ưu tiên đề xuất các dự án vào Chương trình nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ cũng ưu tiên đề xuất đưa các dự án vào Chương trình nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội...

Nguyên tắc tiếp theo là phải bảo đảm tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Bên cạnh đó, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2024, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 8 dự án luật.

Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình 1 dự án luật (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9), bổ sung vào Chương trình 1 dự án luật (cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).

Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), bổ sung vào Chương trình Kỳ họp đối với 7 dự án luật. Cụ thể, bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội thông qua đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Đồng thời, bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến đối với 5 dự án gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đối với đề nghị về Chương trình năm 2025, Chính phủ đề nghị gồm 16 dự án. Đây là các dự án đã được xác định theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với nguyên tắc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024. 

Tán thành với đề nghị lùi thời gian trình đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được ban hành cách đây 17 năm, đến nay có nhiều vấn đề mới phát sinh, thay đổi so với thời điểm ban hành. Do đó, Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật để đáp ứng yêu cầu quản lý, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo TTXVN