Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc: Doanh nghiệp quan tâm
(BDO) Vừa qua, chính quyền Mỹ đã chính thức áp mức thuế 25% lên hơn 800 sản phẩm từ Trung Quốc như máy móc công nghiệp, thiết bị y tế, phụ tùng ô tô, với tổng giá trị nhập khẩu 34 tỷ USD. Sau đó, Trung Quốc tuyên bố áp thuế suất tương tự đối với 545 sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, bao gồm nông sản, xe và hải sản, với tổng giá trị nhập khẩu vào Mỹ hàng năm khoảng 34 tỷ USD. Theo nhận định của các chuyên gia, rất có thể một cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này sẽ còn diễn biến phức tạp theo chiều hướng “ăn miếng trả miếng” trong thời gian tới.
Có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương. Theo ông Trương Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Gỗ Huy Phát, đối với ngành gỗ Vịêt Nam sẽ được hưởng lợi, bởi Trung Quốc đang là quốc gia xuất khẩu gỗ đứng đầu thế giới. Chính sách áp thuế, chống phá giá của Mỹ sẽ tạo cơ hội cho các đơn hàng gỗ “chạy” về Việt Nam. Hiện nay, Liên minh châu Âu và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu gỗ lớn, chiếm tới 70 - 80% giá trị xuất khẩu của ngành gỗ trong nước mỗi năm.
Lãnh đạo một DN may mặc trên địa bàn tỉnh cho rằng, tranh chấp thương mại diễn ra giữa các quốc gia có nền kinh tế lớn khiến thị trường xuất khẩu hàng hóa sẽ có biến động. Đối với việc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, ngành may mặc trong nước cũng như tại Bình Dương có thể có thêm nhiều thị phần hơn, bởi Mỹ áp dụng mức thuế chống phá giá đối với nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có hàng may mặc.
Hiện Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới, với hơn 38 tỷ USD năm 2017. Mỹ đang là thị trường hấp dẫn đối với các DN Việt Nam, nhất là đối với ngành gỗ, may mặc, nông nghiệp. Khi xảy ra tranh chấp thương mại giữa 2 quốc gia Mỹ và Trung Quốc, các mặt hàng nông nghiệp mà DN Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ được dự báo sẽ giảm mạnh, buộc thị trường này phải tìm kiếm bạn hàng khác. Đây chính là cơ hội rất tốt cho các DN Việt Nam chiếm lĩnh thị phần.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng xuất - nhập khẩu khi xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát sẽ diễn ra mạnh mẽ. Hiện một số công ty lớn ở châu Á đang tìm cách đưa sản phẩm tới các quốc gia khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Việt Nam để tránh mức thuế quan cao mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Tuy vậy, lãnh đạo một số DN trên địa bàn tỉnh cũng tỏ ra lo ngại bởi xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới tình hình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Cụ thể, sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư sẽ đổ về thị trường Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn ở các nhóm hàng mà Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử… Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu, DN có nhiều lý do để chờ đợi những diễn biến tiếp theo, từ đó có giải pháp thích ứng phù hợp
HOÀNG PHONG