Tranh chấp lối đi ở tổ 44, KP.4, phường Phú Thọ, Tp.Thủ Dấu Một: 13 năm vẫn chưa ngã ngũ!

Thứ năm, ngày 21/07/2016

(BDO) Ngày 18-8-2010, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã chuyển hồ sơ vụ án tranh chấp lối đi của 6 hộ dân ở tổ 44, KP.4, phường Phú Thọ, TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) với gia đình bà Đoàn Thị P. cho TAND TX.Thủ Dầu Một xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật, tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, vụ án này vẫn chưa được đưa ra xét xử lại.

Anh Lương Văn Trung cho rằng con hẻm quá nhỏ, gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân

Sống trong tù túng

Bà Trịnh Thị Ngọc Bích, Chủ tịch UBND phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “UBND phường đã nhận được phản ánh của bà con. Qua ghi nhận thực tế, chúng tôi thấu hiểu những vất vả mà bà con gặp phải trong sinh hoạt hàng ngày khi phải sống trong con hẻm quá nhỏ. Vụ việc này đã diễn ra quá lâu, hơn nữa UBND phường không đủ thẩm quyền giải quyết. UBND phường rất mong các cấp sớm xem xét, giải quyết thấu đáo cho bà con!”.

Theo ghi nhận của P.V, con hẻm nối từ đường Cách Mạng Tháng Tám vào gia đình 6 hộ dân này rất nhỏ, khó đi lại. Đoạn qua nhà bà Đoàn Thị P. dài khoảng 15m, có nơi chỉ rộng khoảng 0,7m. Để điều khiển được xe máy qua con hẻm này là rất khó khăn. Hàng ngày, 6 hộ dân sống bên trong con hẻm không chỉ khó khăn trong đi lại, vận chuyển hàng hóa, mà còn chịu cảnh tù túng, ngập nước.

Các hộ dân cho biết, con hẻm này đã có từ hàng chục năm trước. Lúc trước là đường xe bò, nối thông với phường An Thạnh. Trải qua thời gian, bị lấn chiếm và ít đi lại, giờ trở thành con hẻm cụt không có lối thoát. Anh Lương Văn Trung, người sống lâu năm ở đây, bày tỏ: “Không chỉ khó khăn trong việc đi lại, lỡ không may có ai chết thì cũng không thể đưa quan tài lọt ra ngoài để chôn cất như bao người khác. Cách đây mấ năm, khi mẹ tôi qua đời, để đưa được quan tài vào nhà làm đám tang phải tháo thành từng mảnh. Sau đó, phải chôn cất bà ở một góc trước sân nhà chứ không thể đưa quan tài ra ngoài được. Chúng tôi biết việc chôn cất người chết như thế sẽ ít nhiều gây ô nhiễm, nhưng không còn cách nào khác. Nhiều bà con ở trong con hẻm này vẫn đang có nỗi lo như gia đình tôi gặp phải!”.

Cùng với đó là bao khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày mà người dân nơi đây phải đối mặt. Chị Mai Hoàng Phượng cho biết: “Mấy chị em trong xóm ai cũng bị trầy sướt chân tay. Vì con hẻm chỉ đủ lọt chiếc xe máy nên khi điều khiển xe vào ban đêm, hay gặp lúc mưa gió là bị té ngã. Muốn mua sắm một món đồ dùng sinh hoạt như máy giặt, tủ lạnh cũng rất khó khuân vác vào nhà. Nhiều năm nay, cái xóm nhỏ này không có ai cất nhà, hay sửa sang nhà cửa gì hết vì không thể vận chuyển vật liệu vào bên trong được. Trời mưa thì nước ngập lênh láng, gây ruồi muỗi. Không ít lần chúng tôi nghĩ đến việc bán nhà đi nơi khác để sống, nhưng có ai dám đến mua đất ở con hẻm này. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp xem xét, nhưng chưa được quan tâm thấu đáo!”.

13 năm xét xử chưa thành

Theo trình bày của các hộ dân, vào năm 1989 bà P. đã tiến hành san lấp mương nước trên lối đi chung và xây nhà lấn chiếm lối đi. Lúc đó, cạnh nhà bà P. còn một lối đi khác, nên bà con đi nhờ. Vài năm sau, lối đi này bị bít xây nhà nên các hộ này đã viết đơn kiến nghị gửi đến các cấp, tranh chấp lối đi với gia đình bà P. Năm 1989, bà P. chết, những người thừa kế tài sản trong gia đình bà được ủy quyền tranh chấp.

Ngày 16-5-2003, vụ tranh chấp được TAND TX.Thủ Dầu Một thụ lý xét xử lần đầu. Sau đó các bị đơn kháng cáo. Ngày 15-7-2005, vụ việc được TAND tỉnh xét xử phúc thẩm. Căn cứ tài liệu có trong vụ án, thì lối đi này đã có từ hàng chục năm trước. Trước năm 1990, không có tài liệu nào chứng minh diện tích đất ở của bà P. là bao nhiêu m2. Nhưng từ năm 1990 đến 1998, bà P. được cấp giấy chứng nhận ghi tổng diện tích đất ở là 258m2, do bà P. tự kê khai mà không có ý kiến của các gia đình nguyên đơn đang sử dụng lối đi này. Khi có tranh chấp giữa các đương sự, tòa yêu cầu Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Địa chính TX.Thủ Dầu Một đo vẽ thì tổng diện tích đất ở của bà P. dư ra so với giấy chứng nhận 49,5m2. Như vậy số đất dư này của bà P. không rõ ở vị trí nào, nhưng rõ ràng diện tích đất đó không thuộc quyền sử dụng hợp pháp của các con bà P..

Tòa án cấp phúc thẩm xác định phần diện tích đất mà bà P. đã làm nhà lấn sang lối đi chung của các nguyên đơn có diện tích 8,24m2 là có cơ sở. Vì thực tế lối đi của các nguyên đơn đã có mấy chục năm về trước, nay diện tích thực địa của bà P. lại lớn hơn so với giấy chứng nhận đứng tên bà P. nên việc tòa án cấp phúc thẩm buộc các thừa kế của bà P. dỡ bỏ phần tường nhà cấp 4 để trả 8,24m2 cho các nguyên đơn làm lối đi như trước là có cơ sở…

Ngày 18-8-2010, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tiếp tục xét xử vụ án trên. Tuy nhiên Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã hủy quyết định Giám đốc thẩm số 112/2008/DS-GĐT ngày 29-5-2008 của Tòa dân sự TAND Tối cao, Bản án dân sự sơ thẩm số 102/DSST ngày 9-12-2004 của TAND TX.Thủ Dầu Một về vụ tranh chấp lối đi trên, giao hồ sơ vụ án cho TAND TX.Thủ Dầu Một xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, vụ án vẫn chưa được TAND TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) đưa ra xét xử. Mới đây vào ngày 20-6- 2016, qua biên bản lấy lời khai với nguyên đơn là các hộ dân sống trong con hẻm, TAND TP.Thủ Dầu Một giải thích như sau: Vụ án bị chậm giải quyết là do hiện tại tòa đang chờ kết quả đo đạc của Phòng đăng ký đất đai tỉnh. Tòa đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Phòng đăng ký đất đai tỉnh xuất bản vẽ vào các ngày 26-1-2016 và ngày 15- 3-2016 nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được kết quả đo đạc của Phòng đăng ký đất đai tỉnh.

Nói về việc này, anh Lương Văn Trung bức xúc: “Chúng tôi rất mong các cấp trong tỉnh xem xét, sớm đưa vụ tranh chấp ra xét xử. Bà con ở đây đã chịu khổ nhiều năm rồi!”.

 Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao nhận định: Một số chi tiết trong vụ tranh chấp chưa được xác minh làm rõ. Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc các thừa kế của bà P. phải dáo dỡ một phần nhà diện tích 8,24m2 (bà P. xây năm 1989) để mở rộng lối đi chung rộng từ 2 đến 2,1m (thực chất là khôi phục lại lối đi cũ) là có căn cứ. Tuy nhiên, xét về nguồn gốc thì đất là của gia đình bà P. cho các gia đình nguyên đơn sử dụng làm lối đi ra đường công cộng cho thuận tiện. Khi bà P. xây nhà, làm lối đi bị hẹp lại như hiện nay thì gia đình nguyên đơn không có ý kiến phản đối. Chỉ đến khi nguyên đơn không còn lối đi nào khác thì mới yêu cầu mở rộng lối đi.

Do đó, việc buộc các thừa kế của bà P. phải tháo dỡ nhà để mở rộng lối đi chung, nhưng chỉ ghi nhận sự tự nguyện bồi thường một phần thiệt hại là chưa bảo đảm quyền lợi cho gia đình bà P. (mà cần xem xét lại toàn bộ thiệt hại của gia đình bà P. cho việc mở rộng lối đi như: Giá trị quyền sử dụng đất đối với phần đất để mở rộng lối đi, thiệt hại do phải tháo dỡ nhà mới thỏa đáng). Quyết định giám đốc thẩm của Tòa dân sự TAND tối cao giữ nguyên hiệu lực của bản án phúc thẩm số 146/2005/ DSPT ngày 15-7-2005 của TAND tỉnh Bình Dương là chưa bảo đảm quyền lợi gia đình bà P.

 

 

 Q.TÁM