Trang trại cây ăn trái đặc sản: Hiệu quả cao nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật
Cùng với cây cao su, lĩnh vực cây ăn trái có múi đang trở thành loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển rộng rãi tại Bình Dương. Nếu so với cây cao su về hiệu quả kinh tế, cây ăn trái có múi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nghề trồng cây ăn trái đòi hỏi nông dân phải biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật...
Thu hoạch bưởi tại Trang trại Thanh Thủy (Bến Cát)
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.400 ha cây ăn trái đặc sản, với các loại cây chủ yếu là bưởi da xanh ruột hồng, cam, quýt... Năng suất bình quân đạt 33 tấn/ha/năm, đem lại nguồn thu từ vài trăm triệu đến gần 1 tỷ đồng/ha/năm, tùy loại cây trồng. Nhiều trang trại có diện tích cây ăn trái lớn hiện đạt mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bình Dương hiện có diện tích cây ăn trái khá lớn, tập trung chủ yếu tại các địa bàn, như: Lái Thiêu (TX.Thuận An); Bạch Đằng, Tân Định, Hiếu Liêm (huyện Tân Uyên); Long Nguyên, Trừ Văn Thố… (huyện Bến Cát). Những nông dân thành công với các loại cây ăn trái có múi là ông Lê Văn Xê (Sáu Xê), Phạm Thế Hoàng, Lâm Thành Thương… với các trang trại tọa lạc tại xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên; bà Nguyễn Thanh Thủy, xã Long Nguyên; ông Lê Văn Phấn, xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát. Bằng sự nhanh nhạy, ham học hỏi, cần cù lao động, các nông dân này đã xây dựng được mô hình trồng cây ăn trái năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập lớn.
Qua khảo sát cho thấy, hầu hết diện tích trồng cây ăn trái tại Bình Dương đều canh tác theo hướng ứng dụng kỹ thuật cao, như: Sử dụng hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt dưới gốc, tưới phun sương trên cao… Ngoài việc ứng dụng các hệ thống tưới nói trên, nhiều nông dân trồng cây có múi cũng rất “rành” các kỹ thuật khác như bón phân, kỹ thuật để cây ra trái nghịch vụ nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Tại xã Hiếu Liêm hiện có nhiều nông dân rất thuần thục trong việc áp dụng hệ thống ngăn nước bằng phủ bạt, xử lý cho ra trái nghịch vụ. Hay tại huyện Bến Cát, vùng đất có độ màu mỡ không cao, cũng có nhiều nông dân làm giàu từ các loại cây có múi do biết cách ứng dụng nhuần nhuyễn các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ông Lê Văn Phấn, ngụ tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát là một trong những nông dân trồng cây ăn trái điển hình của huyện Bến Cát, đã rất thành công với cây quýt. Để có được vườn quýt đạt năng suất cao như hiện nay, ông Phấn phải học rất nhiều và ứng dụng một cách nhuần nhuyễn các kỹ thuật tiên tiến vào canh tác. Ông Phấn cho biết: “Trồng các loại cây có múi là phải tham khảo thật nhiều các tài liệu hướng dẫn, nhưng khi áp dụng vào thực tế sản xuất thì phải tự mình đúc rút kinh nghiệm riêng để áp dụng cho vườn cây của mình chứ không được rập khuôn”. Với quan điểm như vậy, ông Phấn đã có nhiều cách làm mới, khác biệt so với cách trồng quýt truyền thống và đã mang lại kết quả ngoài mong đợi.
Tuy nhiên, lĩnh vực trồng cây ăn trái đặc sản của Bình Dương hiện vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Những nông dân kể trên đều là những người có số vốn tích lũy ban đầu lớn mới có thể xây dựng được mô hình. Vì vậy, để các mô hình này có thể nhân rộng là điều rất khó. Trong khi số vốn đầu tư ban đầu lớn thì đầu ra của sản phầm luôn trong tình trạng không ổn định. Sản phẩm của các nông dân này chủ yếu vẫn phải qua tay các thương lái trước khi ra thị trường. Sự liên kết giữa các chủ trang trại trong vùng còn yếu, làm hạn chế sự phát triển chung của lĩnh vực trồng cây ăn trái đặc sản. Khâu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch chưa được nông dân chú ý nên sản phẩm chủ yếu bán thô, không phát huy hết giá trị thương phẩm… Nếu khắc phục được các khó khăn kể trên, chắc chắn các mô hình trồng cây ăn trái đặc sản tại Bình Dương sẽ đạt hiệu quả cao.
ĐÀ BÌNH