Trang bị kỹ năng để phát hiện giấy tờ giả
(BDO) Hiện nay, tình hình tội phạm liên quan đến việc làm giả giấy tờ trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính diễn biến ngày càng phức tạp. Vì vậy, việc tập huấn kỹ năng tiếp nhận, đối chiếu, xử lý hồ sơ, nhận diện giấy tờ giả cho cán bộ tại bộ phận “một cửa” là cần thiết…
Cán bộ tại bộ phận “một cửa” phải cập nhật những kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu công việc. Trong ảnh: Nhân viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bàu Bàng tiếp nhận hồ sơ đất đai từ người dân
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng phổ biến. Thông qua mạng xã hội, các đối tượng rao bán, nhận làm giả giấy tờ tùy thân, giấy tờ hộ tịch tư pháp, hồ sơ đất đai, trong đó phổ biến nhất là căn cước công dân và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Các đối tượng yêu cầu “khách hàng” cung cấp thông tin cơ bản, hình ảnh qua mạng xã hội, chuyển khoản tiền cọc và sẽ “nhận hàng” chỉ sau vài ngày. Như vậy, chỉ cần từ vài trăm đến vài triệu đồng, người dùng mạng dễ dàng sở hữu một bộ hồ sơ nhà đất giống như thật để thực hiện các mục đích khác nhau.
Nói về kỹ năng nhận biết giấy tờ giả tại buổi tập huấn chuyên đề này do Sở Tư pháp tổ chức vừa qua, báo cáo viên Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Công chứng số 5 (Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh), cho biết hành vi làm giả giấy tờ, con dấu không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của người dân. Liên quan đến các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian gần đây, chỉ vì tin tưởng vào tính pháp lý của những hồ sơ, giấy tờ giả mà nhiều người đã bị lừa đảo, mất tiền oan, từ đó phát sinh nhiều vấn đề mất an ninh trật tự tại địa phương.
Thời gian qua, tại Bình Dương, Công an tỉnh cũng đã phát hiện và bắt giữ nhiều đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Qua các vụ án mà cơ quan chức năng khám phá có thể thấy việc làm giả tài liệu rất đa dạng. Đối tượng có thể làm giả từ văn bằng, chứng chỉ, đến giấy khám sức khỏe, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe và hồ sơ khám bệnh các loại…
Tỉnh táo để nhận diện
Nói về tội phạm chuyên làm giả giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, con dấu của các cơ quan, tổ chức, bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết hiện nay tình hình tội phạm liên quan đến việc làm giả các giấy tờ trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp. Trình độ làm giả giấy tờ của các đối tượng ngày càng cao; công nghệ làm giả tinh vi nên đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông phải cập nhật những kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu công việc đề ra.
“Việc tiếp nhận, đối chiếu, xử lý hồ sơ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cần bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4- 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra, Sở Tư pháp tỉnh cũng chỉ đạo cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp huyện, cấp xã khi thực hiện thủ tục chứng thực cần bảo đảm theo các quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ- CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch”, bà Nguyễn Anh Hoa cho biết.
Chị Đỗ Thị Kim Nhung, nhân viên tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực đất đai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bàu Bàng, cho rằng thủ đoạn làm giấy tờ giả ngày càng tinh vi, trong khi các trang thiết bị hỗ trợ nhận diện giấy tờ giả ở bộ phận “một cửa” hiện nay vẫn còn khá thô sơ nên rất khó để phát hiện. Do đó, rất cần các ngành chức năng tích cực, quyết liệt trong quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm; có biện pháp xử lý nghiêm hành vi xuất trình giấy tờ giả, đưa người giả khi tham gia hoạt động công chứng, hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức… để tăng tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Thị Ngọc Hiếu (SN 1993) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm, sử dụng giấy tờ giả. Hiếu bị xử phạt 14 năm tù về hai tội danh trên. Trước đó, Hiếu lên mạng xã hội đặt làm giả 2 sổ đỏ mang tên mình, sau đó sử dụng 2 sổ đỏ giả này “làm mồi” rồi nhận tiền đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Nhiều nạn nhân sau khi xem sổ đã không mảy may nghi ngờ, tin tưởng chuyển tiền “cọc đất” cho Hiếu. Tổng số tiền mà Hiếu đã chiếm đoạt của các bị hại là 550 triệu đồng. |
TÂM TRANG