Trang bị kỹ năng cho trẻ em phòng chống bạo lực: Chuyện không thể xem nhẹ

Thứ tư, ngày 06/03/2019

(BDO) Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) ngày càng xuất hiện nhiều, đặc biệt là trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... tình trạng một số học sinh ăn chơi lêu lổng, kết bè kết nhóm “ức hiếp”, bạo hành bạn học rồi quay clip xuất hiện ngày một nhiều. Không chỉ các học sinh nam mới xuất hiện những hành vi bạo lực bạn học mà học sinh nữ cũng diễn ra tình trạng này. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do kỹ năng ứng phó trước những tình huống bạo hành của các em học sinh còn yếu.


Các võ sư hướng dẫn học sinh nữ và giáo viên nữ trường THCS Chu Văn An kỹ năng phòng vệ

BLHĐ gia tăng

Trao đổi về điều này, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) học đường trong thời gian gần đây nói chung và của TP.Thủ Dầu Một nói riêng xảy ra tương đối phổ biến ở một vài địa phương, đối tượng bị bạo lực nhiều nhất là phụ nữ, trẻ em. Người gây ra bạo lực chủ yếu là nam giới.

Qua kết quả thu thập số liệu cơ bản, có khoảng 90% số phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau; phụ nữ trong độ tuổi từ 16 - 59 tuổi có nguy cơ là nạn nhân của BLGĐ. Các hành vi bạo lực gia đình thường xảy ra như: Chồng mắng chửi vợ, chồng đánh vợ, con cái đánh cha mẹ và ngược lại. Trẻ em cũng là đối tượng bị bạo hành gia đình, BLHĐ. Tình trạng trẻ em bị đánh đập và cưỡng hiếp, BLHĐ có chiều hướng gia tăng.

Nguyên nhân gốc rễ của nạn bạo lực là sự bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về phòng, chống BLGĐ; thiếu kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp khi trong gia đình có sự mâu thuẫn, xung đột. Ngoài ra, tình trạng cờ bạc, rượu chè, nghèo đói, thiếu việc làm, kết hôn sớm, ép kết hôn, ngoại tình; cộng đồng còn thờ ơ với hành vi BLGĐ; tuyên truyền, giáo dục chưa hiệu quả; chính quyền xử lý BLGĐ chưa triệt để, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền còn hạn chế.

Hầu hết số vụ BLGĐ được nạn nhân giấu vì lo giữ thể diện cho người thân, chỉ đến khi hậu quả quá nghiêm trọng mới được phát hiện thì đã quá muộn. Về nguyên nhân của BLHĐ. Trước hết, do các em học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống và chưa có đủ kỹ năng để ứng phó, giải quyết các tình huống xảy ra hằng ngày”.

Quan tâm huấn luyện kỹ năng phòng chống

Nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng BLHĐ, thời gian gần đây, Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một đã phối hợp với một số trường học tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa để giúp học sinh nhận diện rõ hơn và có kỹ năng biết phòng tránh và ứng xử trước tệ nạn bạo lực.

Sau khi tổ chức thành công chương trình huấn luyện một số kỹ năng phòng chống BLHĐ tại trường THCS Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một được nhà trường và học sinh hưởng ứng nhiệt tình, ngày 1-3, Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một phối hợp với Ban Giám hiệu trường THCS Chu Văn An tổ chức chương trình chia sẻ kỹ năng tự vệ, phòng, chống BLHĐ cho trẻ em.

Tại buổi huấn luyện, võ sư Lê Hoàng Mai cùng các võ sư đến từ Cung Văn hóa Lao Động TP.Hồ Chí Minh đã thực nghiệm và huấn luyện cho các nữ sinh kỹ năng phòng vệ khi đi trên đường gặp tình huống nguy hiểm như bắt cóc, quấy rối, cướp giật... Các em cũng được hướng dẫn kỹ năng phòng chống BLHĐ khi gặp tình huống bị bạn bè bắt nạt, bạo lực… Hầu hết các em học sinh tại đây đều tỏ ra hào hứng, thích thú với chương trình trang bị kỹ năng phòng vệ thiết thực này.

Những tình huống cụ thể như bị giật cặp, túi xách, điện thoại, bị giật tóc, khống chế khi đi trên đường... được các võ sư mô phạm và hướng dẫn cho các nữ sinh, giáo viên nữ của trường. Em N.T.B.N., một học sinh nữ tham dự chương trình chia sẻ: “Em thấy chương trình này rất hay, cần thiết. Em đã coi một lần trên tivi nhưng nay được hướng dẫn trực tiếp như thế này em thấy hào hứng hơn. Thầy hướng dẫn rất vui và dễ hiểu. Từ nay tụi em sẽ cẩn thận và biết cách phòng tránh trước những tình huống nguy hiểm như bị bạn học ức hiếp, giật cặp sách, bị quấy rối khi đi trên đường”.

Cô Đỗ Thị Như Hoa, Hiệu trưởng trường Chu Văn An, cho biết: “Tôi cùng tham dự buổi hướng dẫn kỹ năng phòng chống BLHĐ, kỹ năng phòng vệ cho học sinh nữ. Chương trình này hay và bổ ích cho cả học sinh và giáo viên của trường. Để hạn chế BLHĐ thì gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội phải cần chung tay. Tôi nghĩ nên có nhiều hơn những chương trình như thế này để học sinh có thể trang bị cho mình khả năng phòng vệ trước những tình huống nguy hiểm. Tôi mong muốn có nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa như thế này cho học sinh nam và nữ, và cả giáo viên, đặc biệt là giáo viên thể chất. Sau khi giáo viên được trang bị kỹ năng này sẽ hướng dẫn lại cho học sinh của mình trong các tiết học thể dục thể thao hoặc các buổi sinh hoạt dưới cờ”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Trong những năm qua Hội LHPN thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống BLGĐ, xây dựng gia đình văn hóa bằng nhiều hình thức như: Truyền thông trực tiếp đến từng hội viên, phụ nữ thông qua các buổi họp chi, tổ hội, câu lạc bộ (CLB)...

Đặc biệt hàng năm hội đều tổ chức hội thảo tư vấn sức khỏe và chia sẻ kỹ năng tự vệ cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm giúp phụ nữ và trẻ em có những kỹ năng phòng vệ chính đáng cho bản thân hạn chế tối đa những thiệt hại về sức khỏe và kinh tế. Bên cạnh đó hội còn thành lập những mô hình như: 18 CLB Gia đình hạnh phúc với 277 thành viên, 2 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững và phát triển” với 80 thành viên, 54 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với 472 thành viên....

 

TÂM TRANG