Trang bị kiến thức cơ bản khi giao dịch bất động sản

Thứ bảy, ngày 21/10/2023

(BDO) Trong 2 ngày 19 và 20-10, Báo Bình Dương có loạt bài Hệ lụy từ các “dự án ma”, cảnh báo thủ đoạn của các đối tượng thông qua chuyển nhượng bất động sản nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân. Xoay quanh vấn đề này, qua trao đổi với P.V, luật sư Trương Nhật Quang, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, Trưởng Văn phòng luật sư Ánh Sáng Luật, cho rằng trước hết người dân phải tự trang bị cho mình “bộ lọc” để không trở thành nạn nhân của các chiêu lừa này.


Bỏ công ăn việc làm, những nạn nhân này đến dự phiên tòa với mong muốn lấy lại được tiền sau khi đã mua nhằm đất trong “dự án ảo”

Theo luật sư Trương Nhật Quang, hiện nay thủ đoạn lừa đảo qua mua bán bất động sản thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Mua bán bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, giấy tờ giả, bán nhà, đất bằng sổ chung, công chứng vi bằng, đến vẽ ra cả dự án không có thực để lừa bán người mua…

Một trong những hình thức lừa đảo liên quan đến mua bán nhà, đất là lợi dụng tâm lý muốn mua bất động sản giá rẻ, những kẻ lừa đảo vẽ dự án “ma” nhằm lôi kéo khách hàng bỏ tiền vào dự án không có thật.

Để dụ dỗ được nhiều con mồi, các đối tượng sẽ đẩy mạnh quảng cáo, rao bán, giới thiệu sản phẩm nhà đất với giá rẻ mà vị trí lại gần trung tâm, có kết nối giao thông thuận lợi nhưng thực tế là dẫn khác đi đến những nơi xa xôi, hẻo lánh. Trên đường đi, các nhân viên sẽ tổ chức trò chơi có thưởng hoặc liên tục giới thiệu, mời chào các dự án của công ty với những ưu đãi hấp dẫn nhằm lôi kéo người mua.

Khi đến địa điểm “dự án” do bọn tội phạm dựng lên, họ bố trí hàng chục nhân viên ăn mặc sang trọng vây quanh khách giới thiệu sản phẩm với giá trị cao hơn nhiều lần giá trị thực tế của lô đất, liên tục thúc ép đặt cọc và tác động tâm lý làm cho nạn nhân hoang mang không có sự lựa chọn nào khác. Thuê người đóng giả khách hàng để tranh mua, tác động đến tâm lý của khách hàng làm khách hàng rơi vào trạng thái sợ đất nền sớm bị bán hết.

Trường hợp khách hàng phát hiện lô đất giá cao hơn thực tế, yêu cầu trả lại cọc thì sẽ bị từ chối. Còn khi khách hàng không đồng ý đặt cọc mua đất thì các nhân viên này sẽ chuyển thái độ từ nhẹ nhàng mời chào thành thô lỗ, áp đặt, thậm chí là đe dọa để khách hàng buộc phải đặt cọc mua những dự án này. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến tình trạng lừa đảo mua bán đất nền. Các cơ quan có thẩm quyền cũng đã tiến hành xác minh, điều tra, khởi tố nhiều đối tượng, cá nhân có hành vi lừa đảo có liên quan đến việc mua bán đất nền ảo.

 “Người mua trước hết phải quan tâm đến tính pháp lý của dự án thay vì chỉ quan tâm đến giá. Khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo của bọn tội phạm lừa đảo mua bán đất nền, người dân cần phải liên hệ với cơ quan công an gần nhất để trình báo sự việc; đồng thời, thu thập các thông tin, tài liệu có liên quan để cung cấp cho cơ quan công an”, luật sư Trương Nhật Quang cho biết.

TÂM TRANG (ghi)