Trăn trở làng nghề

Thứ bảy, ngày 20/07/2013

Các làng nghề thủ công truyền thống của Bình Dương hình thành từ rất lâu đời, với những sản phẩm nổi tiếng xa gần như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc… Tuy nhiên, hiện nay nhiều làng nghề đang dần bị mai một…

Thách thức trước cơ chế thị trường

Nếu như trước đây phần lớn người dân ở Tương Bình Hiệp làm nghề sơn mài thì hiện nay số lượng các hộ sản xuất sơn mài tại đây ngày càng ít, chủ yếu tập trung ở một số cơ sở sản xuất lớn. Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài điêu khắc Bình Dương cho biết, từ đầu năm 2013 sản xuất sơn mài đã giảm sút đáng kể. So với 6 tháng đầu năm 2012 số lượng sản phẩm sơn mài theo các đơn hàng xuất khẩu giảm từ 30 - 40%. Trong khi đó mặt hàng sơn mài tại thị trường nội địa lại tiêu thụ rất yếu, tại các điểm bán hàng lưu niệm cũng giảm từ 40 - 50%.

Các làng nghề truyền thống rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để đứng vững trước những thách thức của kinh tế thị trường. Trong ảnh: Sơn mài mỹ nghệ xuất khẩu, một trong những sản phẩm độc đáo của Bình Dương

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân làng sơn mài ngày một thu hẹp sản xuất như hiện nay là do đầu ra cho sản phẩm sơn mài không ổn định. Nhiều thợ sơn mài chuyển dần qua làm những công việc khác, có môi trường làm việc tốt hơn và nhất là có thu nhập ổn định hơn. Mặt khác, việc tổ chức sản xuất sơn mài hiện nay chưa có những cải tiến phù hợp, lại phải cạnh tranh với các mặt hàng trang trí nội thất rất phong phú trên thị trường. Nhiều hộ muốn cải tiến để tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường nhưng cũng lúng túng không biết phải làm thế nào. Một nguyên nhân nữa là các hộ làm sơn mài hiện rất thiếu vốn, chính vì vậy khi có được nhiều đơn hàng thì không thể đáp ứng. Hơn nữa khi sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài phải đáp ứng đòi hỏi rất cao từ phía đối tác. Trong khi những người thợ có tay nghề giỏi ngày càng ít, những trường hợp sản phẩm không đạt yêu cầu không phải là hiếm…

Được biết, Hiệp hội Sơn mài điêu khắc Bình Dương được thành lập năm 2008 nhưng theo ông Lê Bá Linh từ khi ra đời đến nay hoạt động của hội cũng còn rất hạn chế. Theo ông Linh Nhà nước cần có chính sách cho vay cũng như nghiên cứu chuyển giao công nghệ để giúp các hội viên nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh, để bảo tồn và phát triển các làng nghề.

Nếu như sản xuất sơn mài ở làng sơn mài Tương Bình Hiệp đang tập trung vào một số cơ sở sản xuất lớn thì ở làng nghề điêu khắc Phú Thọ (phường Phú Thọ, TP.TDM) đang có xu hướng ngược lại. Các cơ sở sản xuất lớn làm theo đơn đặt hàng của Nhật lần lượt ngừng sản xuất vì không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của phía đối tác. Hiện làng nghề điêu khắc Phú Thọ chỉ còn lác đác vài hộ làm gia công nhỏ, lẻ cho các cửa hàng. Nhớ lại trước đây, khi đi dọc tuyến đường Lê Hồng Phong (thuộc phường Phú Thọ) đâu đâu cũng nghe tiếng đục đẽo của những xóm chuyên làm guốc, các sản phẩm điêu khắc. Đó là vào khoảng những năm 1994-2000, còn hiện nay, cảnh sản xuất nhộn nhịp của làng nghề đang lùi dần vào dĩ vãng. Ông Nguyễn Duy Riễn, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thọ cho biết, nguyên nhân sa sút của làng nghề là do giá cả nguyên liệu gỗ đầu vào cao mà sản phẩm làm ra lại khó tiêu thụ. Vì nhu cầu đời sống, những người thợ lành nghề cũng đành phải bỏ nghề truyền thống của cha ông để tìm công việc khác.

Tiềm năng du lịch làng nghề

Một thực tế hiện nay là để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường tự thân các làng nghề thủ công truyền thống rất khó đứng vững. Các làng nghề truyền thống ở Bình Dương đã nổi tiếng từ lâu, là nét đẹp văn hóa mà không phải địa phương nào cũng có được. Chính vì vậy chứng kiến sự mai một của các làng nghề là điều khiến nhiều người trăn trở. Để bảo tồn, phát triển các làng nghề cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc gắn với du lịch. Ngược lại khi được gìn giữ bảo tồn, tiềm năng du lịch làng nghề cũng sẽ trở thành một lợi thế lớn cho ngành du lịch tỉnh nhà bởi du lịch làng nghề đang là xu hướng hấp dẫn du khách. Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Để khôi phục, phát huy tiềm năng du lịch của các làng nghề còn rất nhiều việc phải làm. Hiện tại vẫn chưa có những tour du lịch làng nghề, về lâu dài để các làng nghề trở thành điểm du lịch, cần có quy hoạch, đầu tư về hạ tầng giao thông, cơ sở đón tiếp khách, điểm trình diễn; đào tạo nguồn nhân lực... sở đã xây dựng đề án, đang trình UBND tỉnh phê duyệt”.

Được biết việc bảo tồn, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm. Đã có những đề án được xây dựng. Hy vọng khi được triển khai thực hiện, tiềm năng của làng nghề sẽ được khai thác không chỉ nhằm phát huy hiệu quả kinh tế mà còn là cách thức để gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Đ.LÊ - T.DƯƠNG