Trăn trở giấc mơ an lạc ở xóm “Việt kiều”
Ở ấp Bà Phái, xã Long Nguyên (Bến Cát) có một xóm nhỏ gồm hàng chục người Việt từng lưu lạc ở Campuchia trở về. Họ sống rải rác trong những căn lều ổ chuột dưới vườn cao su của người dân. Không đất canh tác, không có công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh, èo uột... cuộc sống của họ dường như đang bất định!
Tương lai tươi sáng nào cho những đứa trẻ ở xóm “Việt kiều”?!
Những mảnh đời “tầm gửi”…Men theo con đường đất đỏ cách trung tâm xã Long Nguyên khoảng 10 phút chạy xe, chúng tôi đến xóm “Việt kiều” ở ấp Bà Phái. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt bất cứ ai tìm đến đây là vài chục căn nhà lá tạm bợ, xiêu vẹo được dựng lên bằng những thân cây vắt vẻo trong những góc vườn cao su. Khung cảnh khu xóm “Việt kiều” gợi lên một vẻ u buồn, vắng lặng.
Bước sâu vào bên trong, ghé thăm căn lều tạm bợ rộng chừng 10m2 của chị Mai Thị Châu (38 tuổi), là nơi sinh hoạt của 5 mẹ con và người mẹ ruột của chị, chúng tôi cảm thấy nao lòng. Chị Châu và gia đình là những người di cư từ Campuchia về đây sinh sống từ năm 2008, cho biết: “Hồi trước gia đình tôi sống bên đó nhưng cuộc sống khó khăn quá, chồng lại hay nhậu nhẹt, đánh đập nên ông nội bảo tôi mang mấy đứa con tìm về đất nước sinh sống. Mấy năm nay, mẹ con sống bằng nghề mót mủ cao su hoặc đi lượm ve chai, bữa đói bữa no…”.
Nơi ở chật chội, ẩm thấp, thiếu thốn, công ăn việc làm lại không có, con cái nheo nhóc, cuộc sống hiện tại của những người ở xóm “Việt kiều” đầy những gian truân. Ông Phan Văn Khai (67 tuổi) theo cha mẹ sang Campuchia từ nhỏ, lấy vợ cũng là một Việt kiều, sinh ra 5 người con, cùng nối tiếp cái nghiệp tha phương. Bây giờ tuổi đã xế chiều, không nhớ nổi quê gốc của mình ở tỉnh nào nên ông cùng con cháu dắt díu nhau về đây. Hiện căn lều tạm của gia đình ông dựng ngay trong vườn cao su của người dân. Ngày qua ngày, ông Khai vẫn canh cánh một nỗi lo bị các chủ vườn đuổi đi bất cứ lúc nào.
Những đứa trẻ chúng tôi gặp ở đây, có em được sinh ra ở bên Campuchia, cũng có đứa được “chôn rau, cắt rốn” ngay tại xóm “Việt kiều” này đều có chung một hoàn cảnh không có giấy khai sinh, không có hộ khẩu... Vì vậy, việc được đến trường, học cái chữ, con số của các em là không thể! Chỉ mới lẫm chẫm biết đi, các em đã phải theo cha mẹ kiếm sống.
Tính đến nay, toàn xã Long Nguyên có 14 hộ với 51 nhân khẩu là Việt kiều trở về từ Campuchia. Quê quán của họ ở các tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh... Từ nhỏ, họ đã theo gia đình qua xứ người làm ăn, nhưng do cuộc sống khó khăn nên phải quay về đây. Không có hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân lại không có đất đai canh tác, cuộc sống của họ khi trở về chẳng khác nào cuộc sống của cây tầm gửi! Nghề của họ là đi mót mủ cao sủ, hết mùa lại đi lượm ve chai và giấc mơ no đủ dường như quá xa vời. Có lẽ, cái mà người dân ở đây cần nhất hiện nay chính là có giấy tờ hợp lệ để họ có thể tự do đi lại, kiếm việc làm ở các công ty, xí nghiệp, con cái họ được đến trường. Chỉ có như vậy, cuộc sống của họ mới tươi sáng hơn.
Những đứa trẻ chúng tôi gặp ở đây, có em được sinh ra ở bên Campuchia, cũng có em được “chôn rau, cắt rốn” ngay tại xóm “Việt kiều” này, nhưng đều có chung một hoàn cảnh không có giấy khai sinh, không có hộ khẩu... Vì vậy, việc được đến trường, học cái chữ, con số của các em là không thể! Chỉ mới lẫm chẫm biết đi, các em đã phải theo cha mẹ kiếm sống.
Không có hộ khẩu, giấy tờ tùy thân lại không có đất đai canh tác, cuộc sống của những cư dân Việt kiều khi trở về chẳng khác nào cuộc sống của cây tầm gửi! Nghề của họ là đi mót mủ cao su, hết mùa lại đi lượm ve chai và giấc mơ no đủ dường như quá xa vời!
Mong chờ những ước mơ…
Đem mong muốn này của bà con xóm “Việt kiều” đến gặp lãnh đạo UBND xã Long Nguyên thì được biết, đối với “vấn đề” của xóm “Việt kiều”, địa phương cũng đang tìm cách tháo gỡ từng bước. Ông Võ Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Long Nguyên, cho biết: “Chính quyền đã có kiến nghị các cơ quan chức năng để làm giấy tờ liên quan cũng như hợp thức hóa nơi ở cho họ để đưa vào quản lý. Ngoài ra, mỗi lần tiếp xúc cử tri, địa phương đều đưa vấn đề ra phản ánh, báo cáo lên Công an tỉnh để điều tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ của họ rồi sau đó tìm phương hướng giải quyết…”.
Đầu năm 2014, cơ quan Công an tỉnh Bình Dương đã có văn bản báo cáo về kết quả xác minh số người Campuchia cư trú tại xã Long Nguyên, huyện Bến Cát. Theo đó, trong bản khai nhân khẩu mục quê quán nơi sinh, phần lớn các hộ dân đều khai ở Campuchia nên việc họ cư trú tại địa bàn Việt Nam mà không có giấy tờ là trái phép. Công an tỉnh cũng đề xuất các biện pháp để công an xã hướng dẫn thủ tục nhập khẩu, nhập quốc tịch rồi xem xét điều kiện thường trú theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc này đang là một trở ngại lớn đối với các cấp chính quyền, bởi họ đều là dân di cư từ Campuchia trở về Việt Nam bằng con đường không chính thức, cũng không có bất cứ giấy tờ gì chứng thực cho bản thân.
Theo ông Nguyễn Công Khai, Đội trưởng Đội tổng hợp Văn phòng Công an huyện Bến Cát, hiện Công an huyện đã kê khai những trường hợp
cụ thể và đã báo cáo lên Công an tỉnh. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo địa phương về giải pháp nhằm quản lý trật tự xã hội ở xóm “Việt kiều” này. Tuy nhiên, để có thể xác minh quê quán, gốc gác của từng hộ để làm thủ tục nhập khẩu cho họ thì không dễ, mà phải thông qua con đường ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia.
Rõ ràng, hành trình trở về của những Việt kiều này, bao gồm cả việc bảo đảm cuộc sống và sự công nhận về mặt pháp luật đang là một bài toán nan giải cho chính quyền các cấp. Biết là khó nhưng vẫn mong các cơ quan chức năng sớm hỗ trợ cho người dân xóm “Việt kiều” nhanh chóng làm được giấy tờ, để địa phương dễ quản lý và họ - những người dân từ Campuchia trở về, được bảo đảm đầy đủ các quyền lợi chính đáng của công dân.
TÂM BÌNH