Trăn trở cùng doanh nghiệp!
Trước đó, hàng xấp đơn thư khiếu nại của người dân ở các xã Thanh An, Dầu Tiếng đã được gửi đến các cấp, ngành, các cơ quan báo chí trong, ngoài tỉnh để kêu đòi: “Lấy lại lẽ công bằng” cho họ! Sự việc bắt đầu khi Xí nghiệp Khai thác thủy lợi thuộc Công ty MTV Cấp thoát nước - Môi trường tỉnh Bình Dương ký kết hợp đồng cho ông V. ở TP.HCM, thuê mặt nước hồ Cần Nôm để đầu tư nuôi thả cá, với giá thuê là 200 triệu đồng/năm. Mâu thuẫn đã phát sinh, bởi vì từ trước đến nay hồ Cần Nôm là nơi đánh bắt, khai thác cá tự nhiên của hơn 60 hộ dân quanh vùng. Thế nên, khi doanh nghiệp đến đây “tính chuyện làm ăn” đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của người dân là điều dễ hiểu. Họ bức xúc cho rằng: nguồn lợi thủy sản rồi đây sẽ chảy vào túi của nhà đầu tư, người dân hết đường mưu sinh, kiếm sống!
Qua thực tế tìm hiểu: Sau khi ký hợp đồng với cơ quan có chức năng, ông V. đã đầu tư nhiều tỷ đồng để cải tạo, thả xuống hàng chục tấn cá giống... Và chủ động gặp gỡ, bàn bạc với người dân về phương thức làm ăn mới; trước mắt, ông V. sẽ hỗ trợ cho người dân 3 triệu đồng/hộ để họ ngưng khai thác, đánh bắt cá trong vòng 3 tháng, chờ cho cá giống tăng trưởng. Sau thời gian này, ông V. mong muốn bà con tiếp tục hợp tác lâu dài, theo cách ăn chia lợi nhuận: ông sẽ đầu tư toàn bộ phương tiện đánh bắt, hàng ngày họ đánh bắt cá giao lại, người dân được 30% và ông V. là 70%; tất nhiên trong quá trình sản xuất - kinh doanh sẽ có thay đổi tỷ lệ lợi nhuận phù hợp, theo hướng tăng có lợi cho người dân.
Không thể khai thác mãi nguồn thủy sản tự nhiên ở hồ Cần Nôm vì lâu dài sẽ cạn kiệt. Do vậy, việc đầu tư của ông V. đã được Nhà nước khuyến khích, phù hợp chủ trương, có tính chất căn cơ, hợp xu thế phát triển. Nhà đầu tư đã đổ nguồn vốn khá lớn, lên phương án sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, gánh chịu rủi ro trong việc làm ăn nếu có xảy ra; đặc biệt có tính toán đến lợi ích của người dân địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho họ lâu dài... Bài viết đã đi sâu phân tích, mở rộng cách nhìn nhận vấn đề một cách thấu tình đạt lý và kêu gọi bà con cân nhắc, có thiện chí hợp tác cùng doanh nghiệp.
Hiệu ứng xã hội từ bài viết này bước đầu đã có kết quả nhất định; người dân ở đây đa phần hiểu ra, cảm thông hơn và “hạ nhiệt”, bớt lời cay cú, ghi nhận thiện ý của nhà đầu tư. Hầu hết trong số họ đã đến nhận khoản tiền hỗ trợ, chờ đợi tham gia vào cách làm ăn mới, rút đơn khiếu kiện. Đây là điều đáng mừng, song sẽ trọn vẹn hơn khi hiện vẫn còn một số đối tượng bất chấp lý lẽ, âm thầm kích động; thậm chí ngang nhiên khai thác gây thiệt hại cho nhà đầu tư hàng chục triệu đồng/ngày. Hành vi xâm hại đến quyền lợi của doanh nghiệp như thế là phạm pháp, gây bất ổn cho tình hình trật tự trị an; vì vậy chính quyền địa phương cần lưu tâm có biện pháp xử lý, ngăn ngừa.
THANH NHÀN