Trần Tấn Thông: Tài năng thiên phú

Thứ hai, ngày 03/11/2014

(BDO) Hiếm có cầu thủ nào trong thế hệ vàng của bóng đá Bình Dương như tiền đạo Trần Tấn Thông khi anh chưa từng được đào tạo bài bản. Nhắc đến Tấn Thông, không thể không nhắc đến những pha đi bóng tốc độ, dứt điểm chính xác và luôn làm hoa mắt hàng thủ đối phương.

 

 Ảnh: VŨ THẮNG

 Với mái tóc xoăn và gương mặt lạnh lùng, tiền đạo mang áo số 10 của đội Sông Bé (tiền thân của đội Becamex Bình Dương) từng có những năm tháng gắn bó cuộc đời cùng quả bóng tròn. Sinh tại Phú Cường, Thủ Dầu Một, Thông khát khao được chơi bóng kể từ khi còn bé. Thật khó tin khi cậu bé ấy bắt đầu chơi bóng đá “phủi” trong vai trò “người gác đền” từ năm lên 11. Tuy nhiên, do chiều cao khiêm tốn 1m66 và phát hiện con trai có khả năng săn bàn nên cha Thông, ông Trần Tấn Anh (1980-1987), cố HLV tuyển Sông Bé đã chuyển Thông sang chơi tiền đạo. Không riêng Tấn Thông, người em Quốc Thái cũng chơi ở vị trí như anh trai mình trong màu áo đội tuyển Sông Bé. Ngày đó, đất Thủ không có những sân cỏ nhân tạo hiện đại, khang trang như bây giờ. Thông và các cậu bé đồng trang lứa thường chơi bóng ở những bãi đất trống nằm cạnh sân  Gò Đậu. Chính nơi ấy đã sản sinh ra một Tấn Thông với khả năng ghi bàn đáng sợ, luôn đe dọa hàng thủ đối phương, đặc biệt là cái chân phải đầy ma thuật.

+ Khi còn khoác áo tuyển Sông Bé, năm 1993 Trần Tấn Thông đoạt danh hiệu “Vua phá lưới” giải hạng nhì đội mạnh phía Nam với 10 bàn thắng.

+ Khi làm HLV trưởng U21 Becamex BD, năm 2009 ông cùng đội U21 Becamex BD giành hạng nhì Giải bóng đá U21 Báo Thanh Niên.

+ Khi làm HLV trưởng đội tuyển U21 Việt Nam, năm 2009 ông cùng đội tuyển U21 Việt Nam giành hạng 3 Giải bóng đá U21 Quốc tế Báo Thanh Niên.

Sau 6 năm chơi bóng đường phố, vào một sáng đẹp trời năm 1986, Thông được gọi vào đội trẻ Sông Bé mà trong lòng vui như mở hội. Bằng nghị lực phấn đấu và chịu khó rèn luyện, 5 tháng sau, niềm vui lại nhân đôi khi tiền đạo sinh ngày 14-11-1969 tiến thêm một bước dài trong sự nghiệp bóng đá đầy thăng trầm. Tấn Thông được chính thức khoác trên mình chiếc áo số 10 của tuyển Sông Bé. Từ đó, anh cùng đồng đội mang về nhiều chiến tích cho quê hương đất Thủ với chức vô địch A1 toàn quốc vào năm 1992 và giành quyền thăng hạng Giải đội mạnh toàn quốc (nay là V-League).

Thế nhưng, vinh quang nào không chất chứa nỗi niềm cay đắng! Bầu trời tưởng như sụp đổ dưới chân, sau khi Tấn Thông phải rời đội tuyển Việt Nam trước thềm SEA Games 1995 vì lý do sức khỏe. Không nản chí, Thông tiếp tục phục vụ trong màu áo Cảng Sài Gòn vào mùa bóng 1997-1998. Ở tuổi 30, Tấn Thông trở về cống hiến cho đội bóng quê nhà và chấn thương gối phải, buộc anh giã từ sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp vào năm 2002. Điều đáng ngạc nhiên khi 4 năm sau, Tấn Thông trở lại sân cỏ và giúp đội Thành Nghĩa Quảng Ngãi giành quyền thăng hạng 1 vào năm 2006 ở tuổi 37. Mốc son cuối cùng của đời cầu thủ đầy sương gió đã chính thức khép lại với tiền đạo mang áo số 10 của tuyển Sông Bé.

Như vài đồng đội cũ, Trần Tấn Thông hiện theo đuổi con đường của người cha quá cố. Ông đang giữ vai trò huấn luyện tại Công ty Cổ phần Đào tạo Bóng đá trẻ Becamex Bình Dương. Có lẽ, đó là những gì mà tiền đạo Tấn Thông có thể làm được cho sự phát triển của bóng đá Bình Dương trong tương lai.

BA KHÔI