Trân quý và trọn vẹn tri ân- Kỳ cuối

Thứ tư, ngày 27/07/2022

(BDO) Kỳ 3: Doanh nghiệp chung tay thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

Kỳ cuối: Tấm lòng “vàng” của các cựu chiến binh

Những ngày cuối tháng 7, khi khắp các địa phương tổ chức tri ân những người có công (NCC) thì ông Trần Doãn Linh, một cựu chiến binh ngụ phường Bình An, TP.Dĩ An lại khăn gói lên đường đi tìm đồng đội. Bà Nguyễn Thị Phúc, vợ ông Linh chia sẻ: “Nhiều năm nay vẫn vậy, bất kể ngày lễ, tết, nghe có người báo tin về manh mối liệt sĩ, những người đồng đội cũ là ông ấy đi ngay. Có khi đi cả tháng, thậm chí hơn, lúc nào xong việc ông ấy mới về. 17 năm nay, thời gian ông nhà tôi đi tìm đồng đội còn nhiều hơn ở nhà. Việc này là tâm nguyện lúc còn trẻ của ông ấy, nên gia đình rất ủng hộ”.

Ông Trần Doãn Linh cho biết, quê ở tỉnh Nghệ An. Năm 18 tuổi, ông vượt Trường Sơn vào Nam kháng chiến, sau đó được điều động vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271, Bộ Tư lệnh miền Đông. Khoảng thời gian từ năm 1973 đến 1974, Tiểu đoàn 4 của ông kết hợp với Tiểu đoàn 25 tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường Đắk Nông, làm bàn đạp giải phóng Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, tại trận đánh ở Đồi Chia Đôi (thôn 8, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), đồng đội của ông hy sinh rất nhiều. Tại đây, chính tay ông đã chôn cất 3 đồng đội sau khi bị thương nặng và hy sinh. Trước đó, khi tham gia một trận đánh lớn tại huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước, ông cũng đã trực tiếp chôn cất 2 đồng đội của mình.

17 năm qua, ông Trần Doãn Linh (bên phải, ngoài cùng) vẫn miệt mài đi tìm đồng đội ở chiến trường Đắk Nông

Sau ngày giải phóng đất nước, ông tiếp tục tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia nhiều năm. Cựu chiến binh Trần Doãn Linh tâm sự: “Ngày trở lại quê hương, tôi đã có ý định về lại chiến trường xưa tìm đồng đội, nhưng điều kiện không cho phép. Đến 2005, khi con cái lớn khôn, trong túi có chút ít tiền tôi mới mạnh dạn thực hiện ước nguyện của mình”. Lúc ông về lại chiến trường xưa ở Đồi Chia Đôi, mọi thứ đã thay đổi. Những cánh rừng xưa biến thành những vườn cây, đồi cà phê. Mất cả tháng ông mới xác định được vị trí của 3 đồng đội do chính mình chôn cất ngày nào, sau đó mới báo chính quyền địa phương sở tại tổ chức khai quật, đưa các anh về với quê mẹ. Ông cũng đã nhiều lần đến TX.Bình Long, tỉnh Bình Phước xác định lại vị trí của 2 đồng đội xưa, nhưng nay khu vực đó đã trở thành phố thị, nhà cửa đông đúc nên rất khó tìm kiếm. Việc này ông đã báo cáo với địa phương để có phương án.

Hành trình đi tìm đồng đội của ông Linh những ngày đầu rất khó nhọc, cứ một mình băng rừng lội suối, hết ngày này sang tháng nọ. Về sau, ông kết nối được thêm nhiều đồng đội ở các tỉnh, thành có chung nguyện vọng. Nhóm của ông có lúc lên đến hơn 10 người và đã tìm được tổng cộng 39 hài cốt liệt sĩ ở Đắk Nông. Vết thương chiến tranh vẫn hằn sâu trên cơ thể khiến người cựu chiến binh Trần Doãn Linh bị đau nhức khi trái gió, trở trời. Nhưng công việc vẫn còn nhiều, đâu đó trong những cánh rừng, vách suối, vườn cây, những người đồng đội của ông vẫn còn nằm đó, nên ông chưa cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi, dù chỉ một ngày.

Không trực tiếp tham gia những trận đánh ác liệt với quân địch trong những ngày giải phóng đất nước như thế hệ đàn anh, nhưng ông Bùi Văn Nho, ngụ phường Tân Bình, TP.Dĩ An cũng có nhiều năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ngày trở về quê hương, ông chí thú làm ăn, mở cơ sở kinh doanh nước ngọt, nước đá, cửa hàng tạp hóa. Khi có trong tay chút ít tiền, ông tìm về TX.Tân Uyên mua đất trồng cây ăn trái. Sau này ông mở thêm dịch vụ lo ma chay cho người dân trên địa bàn.

Tuổi đời đã ngoài 70, nhưng mỗi ngày ông Nho vẫn lượn xe gắn máy khắp các con hẻm, khu phố, thấy ai nghèo khó liền ra tay tương trợ. Tùy vào trường hợp, hoàn cảnh mà ông giúp ít nhiều. Chỉ tính riêng trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, khi địa phương bùng phát dịch bệnh, cách ly từng tuyến phố, thấy gia đình nào khó khăn, ông ra tay tương trợ. Đến lúc dịch bùng phát mạnh, nhiều người tử vong vì dịch bệnh, nhiều gia đình không có điều kiện lo hỏa táng người thân, ông đứng ra lo liệu, giúp kinh phí.

Chỉ tính riêng địa bàn TP.Dĩ An, trong đợt dịch bệnh Covid-19 năm 2021, ông Nho đã hỗ trợ 162 hoàn cảnh khó khăn qua đời, với 162 khung hòm, trị giá 1 tỷ 434 triệu đồng. Trong thời gian này, nhiều đơn vị nhận hỏa táng người chết vì dịch bệnh Covid-19 với giá 15 - 20 triệu đồng/trường hợp, nhưng ông Nho chỉ nhận 10 triệu đồng/ trường hợp. Với giá này, ông chấp nhận bù lỗ từ 30 - 50%/ trường hợp, tùy thời điểm.

Nói về việc thiện của mình, ông Bùi Văn Nho chia sẻ: “Lúc đó, có người bán tín bán nghi, cho rằng tôi tranh thủ dịch bệnh để vận động nhà hảo tâm, kiếm lợi. Nhưng tôi chưa vận động ai một đồng, đó là nguồn tiền mà tôi trích một phần từ tiền bán số đất mà tôi mua ở TX.Tân Uyên trước đó. Những tháng gần đây tôi vẫn đang thực hiện việc này cho những hộ thực sự khó khăn, đang ở trọ”.

Dù bản thân đang mang nhiều thương tích của những cuộc chiến, nhưng những cựu chiến binh như ông Bùi Văn Nho, Trần Doãn Linh vẫn chưa cho phép bản thân nghỉ ngơi mà tiếp tục cống hiến, thực hiện những việc có ích cho đồng đội, người nghèo, gia đình khó khăn. Tấm lòng “vàng” của họ đáng được trân trọng, tri ân.

QUẢNG ĐIỀN

Từ khóa: