Trân quý và trọn vẹn tri ân
(BDO) Kỳ 1: Xây mái ấm cho người có công, gia đình chính sách
Bằng ngân sách của tỉnh, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, hàng ngàn mái ấm cho NCC, gia đình chính sách tại Bình Dương được tạo dựng. Có nhà, đời sống của nhiều gia đình đã đổi thay. Càng đặc biệt hơn khi nhiều người không có đất vẫn được xây tặng nhà, một việc làm mà ít địa phương nào thực hiện được như ở Bình Dương.
Không có đất vẫn có nhà
Dù đã 5 năm trôi qua, nhưng bà Lê Thị Bê (78 tuổi, con liệt sĩ) ở khu nhà ở xã hội Định Hòa (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một) vẫn không quên cái đêm được địa phương gửi thông báo ngày mai đi nhận nhà. Ngày trước, gia đình bà Bê tạm trú trên địa bàn phường Phú Thọ, sống nhờ trên đất người quen. Cuộc sống vốn khó khăn, chồng làm phụ hồ, bà Bê bán vé số kiếm tiền nuôi con. Không may chồng bệnh đau rồi mất sớm, một mình bà gồng gánh lo toan. Nhiều lúc bà nghĩ đến lúc chết mình vẫn không thể có nhà vì nghe nói phải có đất thì mới được hỗ trợ xây dựng nhà. Mà bản thân tiền ăn còn khó, lấy đâu ra tiền mua đất.
“Đó cũng là ngày cuối tháng 7-2017. Tôi cầm giấy thông báo được trao tặng căn nhà mà tay cứ run lên bần bật, rồi tự nghĩ không biết có phải thật hay không. Cả đêm tôi không ngủ được, cứ thao thức, rồi hình dung trong đầu về căn nhà mới. Đến lúc cầm trên tay quyết định trao nhà, được đặt chân vào căn nhà hiện nay đang ở, tôi đã rơi nước mắt vì hạnh phúc. Căn hộ 30m2 của tôi tuy không rộng nhưng khá tươm tất, đầy đủ tiện nghi”.
Năm 2017, được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, Tổng Công ty Becamex IDC đã trao quyết định tặng 100 căn nhà ở xã hội cho gia đình chính sách tại khu nhà ở xã hội Định Hòa. Có thể nói, đây là một việc làm khá đặc biệt mà nhiều địa phương trong cả nước khó thực hiện. Bởi việc xây tặng nhà tình nghĩa xưa nay vẫn chỉ áp dụng cho những hộ có đất, địa phương chỉ ủng hộ tiền xây nhà. Sự đền ơn, đáp nghĩa đến từ Tổng Công ty Becamex IDC không chỉ góp phần giải quyết nỗi lo chung cho địa phương trong việc xây nhà ở cho gia đình chính sách, NCC khi không có đất mà còn đem lại hạnh phúc, sự ổn định cho nhiều gia đình.
Từ ngày có được căn hộ ấm cúng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành (con liệt sĩ) không còn lo toan tiền thuê nhà mỗi tháng, hay phải chuyển chỗ trọ như trước. Ông Thành cho biết ngày trước gia đình sống tại phường Hiệp An (TP.Thủ Dầu Một). Hàng ngày ông đi phụ hồ, vợ đi bán vé số. Ước mơ của hai vợ chồng là mua được miếng đất nhỏ để chính quyền địa phương xây tặng căn nhà tình nghĩa. Nhưng cuộc sống không như mong muốn, tích cóp được ít tiền lại có chuyện không may, ốm đau nên việc mua đất dần xa tầm tay. Đến khi sức yếu, lực bất tòng tâm thì niềm vui có nhà lại đến.
Bà Nguyễn Thị Lâm (thứ 6, từ phải sang) vui mừng khi được chính quyền các cấp xây tặng căn nhà tình nghĩa khang trang trị giá 150 triệu động
Ông Thành chia sẻ: “Chúng tôi về sống tại đây được địa phương quan tâm khá tốt, môi trường sống cũng rất tốt. Lễ, tết hay dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, gia đình được thăm hỏi, tặng quà. Gia đình nào khó khăn, mất sức lao động không kiếm ra tiền được địa phương ủng hộ gạo, tiền hàng tháng, tuy không nhiều nhưng đủ sống. Có được căn nhà như thế này là niềm ao ước to lớn nhất của gia đình tôi, không còn gì hạnh phúc hơn”.
Vượt chuẩn xây nhà cho NCC
Công tác xây dựng, sửa chữa nhà ở cho NCC với cách mạng luôn được tỉnh chú trọng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa trên 6.669 căn nhà tình nghĩa cho NCC, với số tiền trên 149 tỷ đồng. Trong đó, từ năm 2017 đến 2022, tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 693 căn, với tổng số tiền trên 37,8 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn kinh phí địa phương, sự vận động của các xã, phường, còn có sự ủng hộ to lớn từ các doanh nghiệp.
Kinh phí xây tặng mỗi căn nhà tình nghĩa tại Bình Dương cũng cao hơn so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Từ năm 2015, UBND tỉnh quy định mức xây dựng mới là 80 triệu đồng/căn; sửa chữa 40 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, do giá cả mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc xây dựng và sửa chữa nhà ở ngày càng tăng cao, từ năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) đã tham mưu UBND tỉnh nâng mức chuẩn xây dựng nhà lên 100 triệu đồng/căn. Đối với nhà xây dựng trên nền đất yếu, hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/ căn. Mức hỗ trợ sửa chữa được nâng lên 50 triệu đồng/căn.
Và trên thực tế, có không ít căn nhà tình nghĩa được địa phương xây dựng với trị giá từ 150 - 200 triệu đồng/căn. Điển hình như căn nhà của bà Nguyễn Thị Lâm, sinh năm 1952, thương binh 1/4 (ngụ ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) vừa được Sở LĐ-TB&XH phối hợp với chính quyền địa phương huyện Bắc Tân Uyên trao tặng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022) có diện tích xây dựng nhà 90m2, với tổng số tiền 150 triệu đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bình Dương tặng 100 triệu đồng, UBND xã Tân Mỹ hỗ trợ vật liệu xây dựng 50 triệu đồng.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết đến nay không có gia đình chính sách, NCC nào trên địa bàn tỉnh không được quan tâm, xây dựng nhà ở. Nhiều năm trở lại đây, hầu hết các địa phương đều có kế hoạch xây lại nhà mới cho gia đình chính sách khi căn nhà xây tặng trước đó đã xuống cấp mà trước đó chủ yếu tập trung nhiều vào công tác sửa chữa là chính.
Nhìn chung, công tác chăm lo đời sống cho NCC với cách mạng được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện xuyên suốt, đồng bộ đến từng xã, phường, thị trấn bằng các chương trình hành động thiết thực, góp phần giải quyết cơ bản khó khăn về nhà ở đối với NCC, giúp ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách. (còn tiếp)
(Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH)
QUANG TÁM