Tràn lan rượu không nhãn mác: Làm sao để quản lý chất lượng?

Thứ sáu, ngày 25/01/2013

   Ngành chức năng kiểm tra nguồn gốc rượu tại một siêu thị ở Bình Dương

 Theo đó, đối với tất cả các tổ chức, cá nhân, rượu thủ công (rượu tự nấu) tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, muốn bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất; trên sản phẩm phải có nhãn mác, phải đăng ký với chính quyền địa phương… Tuy nhiên, cho đến nay Nghị định 94 của Chính phủ đã có hiệu lực pháp luật, nhưng ngoài thị trường vẫn tràn lan rượu tự nấu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác.

“ Điều 17 của NĐ 94 quy định điều kiện cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu khá đơn giản, bao gồm: có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ đồ uống có cồn hoặc kinh doanh rượu, có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định...”

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số nơi trên địa bàn tỉnh cho thấy, các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu vẫn diễn ra bình thường, người nấu, kẻ bán nhiều nơi vẫn không có giấy phép sản xuất, kinh doanh… Theo quy định, những loại rượu này đều phải có dán nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ trên vỏ chai hay can nhựa chứa rượu… nhưng ở đây không thấy có.

NĐ 94 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn… Tuy nhiên, đến thời điểm này, ở những gia đình nấu rượu với phương thức gia truyền, ít ai biết thông tin này và rượu vẫn được nấu, được bán một cách vô tư. Anh T., chủ lò rượu (gạo) nguyên chất (theo biển quảng cáo ghi) trên đường Lê Hồng Phong (phường Phú Hòa, TP.TDM) cho biết, gia đình anh nấu rượu thủ công đã nhiều năm nay. Mỗi ngày anh nấu từ 30 - 40 lít, giá một lít từ 20.000 - 30.000 đồng/lít tùy loại. Rượu nhà anh nấu chỉ bán bỏ mối ở các hàng quán và một số người quen tại nhà. Ngoài việc bán rượu, hèm rượu còn được anh tận dụng làm thức ăn cho gà. Khi hỏi anh về NĐ này, anh trả lời là có biết nhưng chưa thấy ai triển khai cả.

Ông Trương Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Theo NĐ 94, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, phải có nhãn, khi sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp phải có giấy phép sản xuất rượu. Đặc biệt các quy định của NĐ góp phần chống tình trạng rượu lậu, rượu giả tràn lan trên thị trường trong thời gian gần đây, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời giúp thị trường tiêu thụ rượu một cách lành mạnh hơn… Tuy nhiên đã hơn nửa tháng triển khai thực hiện NĐ 94, trên địa bàn tỉnh việc tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức cho người dân thực hiện chưa được các ngành chức năng, chính quyền cơ sở triển khai tích cực, không ít người nấu, kinh doanh rượu chưa hay biết về NĐ này.

Tháng 1-2012, một vụ ngộ độc rượu xảy ra đã khiến 3 người tử vong, cả 3 cùng ngụ ở khu phố Tân Ba, thị trấn Thái Hòa, Tân Uyên. Nguyên nhân xuất phát từ việc các nạn nhân sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng dẫn đến ngộ độc.

Việc NĐ 94 ra đời nhằm siết chặt tình trạng rượu giả, rượu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Càng về cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, số lượng tiêu thụ rượu sẽ tăng mạnh. Vì thế, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường thanh, kiểm tra ATVSTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh. Ông Trương Nhật Nam cho biết thêm, những quy định của NĐ 94 rất cần thiết, mang tính cảnh báo và ngăn ngừa đối với người dân sản xuất và kinh doanh rượu không bảo đảm chất lượng. Để người dân nắm được quy định này, các đội nghiệp vụ của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, kinh doanh rượu làm cam kết và hướng dẫn xin giấy phép, đăng ký ATVSTP. Làm tốt được vấn đề này sẽ siết chặt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, góp phần giúp thị trường tiêu thụ mặt hàng này lành mạnh hơn...

T.PHƯƠNG