Trạm thực nghiệm và huấn luyện chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp: Hướng phát triển đột phá cho hoạt động khuyến nông
Không chỉ là nơi lưu giữ, trình diễn các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị mà trạm còn là nơi để bà con nông dân có thể học hỏi, thực hành sản xuất trực tiếp sau khi lĩnh hội lý thuyết từ cán bộ khuyến nông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam (trước, bên phải) khảo sát khu đất thực hiện dự án Trạm thực nghiệm chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp Bình Dương
“Bảo tàng” nông nghiệp Bình Dương…
Hoạt động khuyến nông ra đời và thực hiện nhiệm vụ chuyển giao tiến độ kỹ thuật cho bà con nông dân với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh cao. Khuyến nông Bình Dương đã có hơn 20 năm hoạt động và trưởng thành, góp phần thiết thực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Bình Dương. Thêm vào đó, chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, chương trình hành động số 26/CTr-TU ngày 20-9-2011 của Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao gắn với nông nghiệp chế biến đã cho thấy rõ tính đúng đắn và hiệu quả. Từ đây, hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp mới đã được hình thành với sự tham gia của hàng ngàn nông dân trên địa bàn tỉnh.
Cũng từ đó, bức tranh nông nghiệp của Bình Dương ngày càng phát triển đa diện, đa sắc với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Đó là những vườn bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Tân Bình (Tân Uyên), nuôi cá dĩa ở xã Long Nguyên (Bến Cát), trồng hoa lan ở phường Định Hòa, nuôi cá sấu ở Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một)… Tất cả những mô hình này qua thực tiễn phát triển và sản xuất của nông dân Bình Dương đang ngày càng tỏ rõ sự hiệu quả, tính thực tiễn cao, phù hợp với địa phương.
Tuy nhiên, làm thế nào để có một điểm trình diễn tốt, để cho bà con khắp nơi trong tỉnh có thể tham khảo, học hỏi nhiều mô hình một lúc là vấn đề trăn trở đối với các cán bộ khuyến nông Bình Dương. Từ đó, ý tưởng thành lập một trạm khuyến nông, nơi quy tụ nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hay, hiệu quả, mang tính trình diễn để bà con nông dân, bạn bè từ trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, nhân rộng mô hình… đã được hình thành. Trạm có quy mô 16,1 ha tại xã Long Nguyên (Bến Cát). Khi đi vào hoạt động không chỉ mang vai trò chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp mà còn là địa điểm thực hiện việc cung ứng dịch vụ tư vấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Đến đây, bà con nông dân và khách tham quan sẽ phần nào hình dung từ tổng thể đến chi tiết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao của Bình Dương và qua đó có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm ngay tại chỗ.
… và trường dạy nghề nông nghiệp
Một ngày đầu tháng 3-2014, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Dương, ông Tôn Thất Trí chỉ cho chúng tôi những bãi xanh ngút mắt của khu đất 16,1 ha dự định thành lập Trạm thực nghiệm. Đất được giao có độ dốc thoai thoải, nằm bên dòng sông Thị Tính, đủ nước về mùa khô để làm nông nghiệp. Ông Trí trăn trở: “Dự án thành lập Trạm thực nghiệm là tâm huyết của chúng tôi. Trạm không chỉ có chức năng giới thiệu mà còn là một ngôi trường dạy nông nghiệp thực sự cho bà con nông dân ứng dụng các mô hình nông nghiệp hay, phù hợp với địa phương”.
Ông Trí cũng cho biết, sau khi thành lập, Trạm thực nghiệm sẽ tổ chức nhiều mô hình sản xuất khác nhau. Qua đó, một trong những nhiệm vụ chính của trạm sẽ là việc tổ chức, phối hợp rèn nghề, nâng cao kỹ năng thực hành cho bà con nông dân, đào tạo nghề nông thôn… Không khó để hình dung được tính khả thi cao của Trạm thực nghiệm trong tương lai. Trong những năm qua, nông nghiệp Bình Dương không chỉ là chuyện cây cao su, nuôi gà vịt, trâu bò mà giờ đây cùng với việc phát triển nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, nông nghiệp Bình Dương đã có sự chuyển dịch lớn về đối tượng sản xuất đòi hỏi kỹ thuật, vốn đầu tư cao. Chính điều này tạo tâm lý e ngại cho bà con nông dân. Và khi đó, Trạm thực nghiệm sẽ phát huy vai trò tiên phong, hướng dẫn trực tiếp cho nông dân.
Phát biểu trong buổi khảo sát, kiểm tra dự án thành lập Trạm thực nghiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam kết luận: “Trạm thực nghiệm sẽ phải mang tính xã hội cao hơn hiệu quả kinh tế mang lại. Việc xây dựng, bố trí các phân khu chức năng cũng phải gắn liền với mục tiêu cao nhất là nhằm đào tạo nghề cho nông dân. Để Trạm thực nghiệm hiệu quả, hoạt động tốt cần kêu gọi tư nhân xã hội hóa nguồn vốn, mô hình thực hiện để cùng Nhà nước truyền đạt, chuyển giao kinh nghiệm sản xuất cho người khác học hỏi, làm theo, góp phần phát triển nông nghiệp Bình Dương bền vững hơn”.
KHÁNH VINH