Trám lấp 4.500 giếng khoan cứu nguồn nước ngầm
(BDO) Tính đến đầu năm 2018, ngành TN&MT Bình Dương đã hoàn tất việc điều tra, thống kê, trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng để bảo vệ nguồn nước dưới đất và ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất. Đến nay, toàn tỉnh đã trám lấp hơn 4.500 giếng hư hỏng không sử dụng; yêu cầu 203 tổ chức trám lấp 258 giếng khoan, chuyển sang sử dụng nước cấp tập trung tại các khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất… Sau khi trám lấp, kết quả quan trắc mực nước dưới đất tại những vùng mực nước dưới đất bị hạ thấp quá mức đã dần phục hồi.
Cán bộ Phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Khí tượng Thủy văn đang trám lấp giếng hư hỏng tại nhà dân
Mực nước tại khu vực hạ thấp trọng điểm là Khu công nghiệp Sóng Thần trước đây là 50m nay đã nâng lên khoảng 43m. Ngoài ra, công tác quản lý các nguồn thải và nguồn tiếp nhận nước thải cũng đã được chú trọng. Công tác quản lý cấp phép xả thải được tăng cường. Kết quả quan trắc nước mặt cũng có dấu hiệu cải thiện dần qua các năm.
Cách đây khoảng 2 năm, tại nhiều khu vực thuộc các TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát… có quá nhiều giếng khoan khai thác phục vụ sản xuất công nghiệp, dẫn đến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và tụt giảm đáng kể. Đặc biệt, tại một số khu công nghiệp, mực nước ngầm tụt giảm tới 2m. Nhằm bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, tránh nguy cơ cạn kiệt, Bình Dương sẽ tập trung bảo vệ số lượng nước dưới đất 645,36 triệu m3/năm; đồng thời duy trì trữ lượng an toàn của các tầng chứa nước bằng cách giảm dần và đi đến chấm dứt việc khai thác nước dưới đất tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung trong giai đoạn tới.
P.V