“Trảm” cao su, khai thác đất: Hành vi hủy hoại đất

Thứ bảy, ngày 05/12/2015

Trong các số báo ra ngày 3 và 4-12, báo Bình Dương có loạt bài phản ánh thực trạng “trảm” cao su, khai thác đất trái phép ở một số địa phương. Một số ý kiến cho rằng cần xử lý nghiêm đối với hành vi sai phạm này. Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ, luật sư Thái Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương (ảnh) cho rằng khai thác đất trái phép có thể bị xử lý hình sự. Chúng tôi xin nêu ý kiến của luật sư Thái Thanh Hải về vấn đề này.

(BDO)

 Sau khi doanh nghiệp khai thác đất mặt, những hầm, hố như thế này xuất hiện ngày càng nhiều ở địa bàn TX.Bến Cát

 Theo quy định tại Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích và phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ đất. Nếu người sử dụng đất tự ý bán đất mặt cho doanh nghiệp khai thác, đào thành hầm hố để lấy đất mặt bán mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền thì chủ đất và chủ doanh nghiệp đồng phạm trong việc thực hiện hành vi hủy hoại đất, vi phạm vào điều cấm được quy định tại khoản 1, Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.

Qua thực tế báo phản ánh cho thấy, tình trạng người dân cắt cây cao su, sau đó bán đất mặt cho những doanh nghiệp khai thác lấy đất với độ sâu từ 2 - 5m hiện đang diễn ra phổ biến, thậm chí rầm rộ rất đáng báo động ở nhiều nơi, làm hủy hoại đất sản xuất, vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước, tạo ra nhiều hầm hố “chết” nguy hiểm không lường và khó có thể khôi phục lại hiện trạng ban đầu được. Nếu hành vi này không được kiểm tra, ngăn chặn kịp thời thì tài nguyên đất sản xuất sẽ bị hủy hoại hết, tạo ra những vùng đất chết, không trồng trọt gì được nữa.

Phải khẳng định rằng hành vi của người dân và chủ doanh nghiệp trong việc đào đất mặt để bán là hành vi hủy hoại đất, vi phạm pháp luật đất đai, luật bảo vệ môi trường và thậm chí vi phạm pháp luật hình sự. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi này bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 Luật sư Thái Thanh Hải

Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 64 và khoản 3, Điều 82 Luật Đất đai năm 2013, người thực hiện hành vi cố ý hủy hoại đất sẽ bị lập biên bản vi phạm và bị thu hồi đất không được bồi thường. Chủ đất và doanh nghiệp khai thác đào đất bán mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác khoáng sản trái phép theo quy định tại Điều 37 Nghị định 142/2013/NĐ-CP. Nếu hành vi hủy hoại đất gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị xử lý hình sự có khung hình phạt lên đến 7 năm tù (Quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự).

Trước thực trạng khai thác, bán đất mặt rầm rộ để lại nhiều hậu quả nặng nề như báo phản ánh, tôi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương không phải không biết mà đã biết, thậm chí biết rất rõ nhưng lại làm lơ, chưa mạnh dạn trong công tác đấu tranh phòng chống, chưa quyết liệt kiểm tra, xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật nêu trên. Theo tôi, để chấm dứt tình trạng này, lãnh đạo tỉnh nên có sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt đến từng địa phương, yêu cầu từng địa phương phải khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng đào bán đất mặt hiện nay tại địa phương mình để xử lý, chấn chỉnh, chấm dứt ngay tình trạng này. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng cần buộc từng địa phương phải kiên quyết thực hiện các biện pháp ngăn chặn để tránh tái diễn tình trạng dân đào bán đất mặt như hiện nay. Địa phương nào để xảy ra tình trạng dân bán đất cho doanh nghiệp khai thác đất mặt, đào hầm, đào hố như nêu trên thì lãnh đạo tỉnh cần kỷ luật thật nặng đối với Bí thư Đảng ủy cấp xã, phường, Chủ tịch UBND cấp xã, phường; phê bình, kiểm điểm thật nặng đối với Bí thư chi bộ ấp, khu phố và trưởng ấp, trưởng khu phố nơi xảy ra việc dân bán đất mặt cho doanh nghiệp khai thác trái phép như nêu trên.

Hàng tháng, hàng quý, lãnh đạo tỉnh cần yêu cầu địa phương báo cáo tình hình, tiến hành kiểm tra đột xuất tại những địa bàn đã từng xảy ra vi phạm, những điểm nóng để đánh giá kết quả.

NHÓM PHÓNG VIÊN BĐ-PL (thực hiện)